Ngày 1/3, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Chánh Thanh tra, Sở Y tế Hà Nội, đã làm việc với chị Tạ Thị Thu Trang (trú tại tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) - đứa trẻ bị trao nhầm từ 50 năm trước. Buổi làm việc diễn ra sau khi Sở Y tế tiếp nhận đơn đề nghị hỗ trợ làm xét nghiệm ADN tìm bố mẹ đẻ của chị Trang.
Trong buổi làm việc, ông Hiếu chia sẻ với câu chuyện của người phụ nữ này và đề nghị chị nên gửi đơn đến các cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền giải đáp. Thanh tra Sở Y tế sẽ làm việc với Trung tâm Y tế quận Ba Đình là đơn vị quản lý Nhà hộ sinh Hàng Bún về nội dung theo đơn phản ánh.
Ông Hiếu cũng khẳng định Thanh tra Sở Y tế sẽ tích cực phối hợp với cơ quan chức năng khi có yêu cầu về những nội dung mong muốn được tìm cha mẹ ruột của chị Trang.
Câu chuyện trao nhầm con tưởng chừng đã có được cái kết hạnh phúc
8 năm trước, câu chuyện của chị Tạ Thị Thu Trang bị trao nhầm con tại Nhà hộ sinh Ba Đình (phố Hàng Bún, Hà Nội) đã gây xôn xao dư luận. Thời điểm đó, cộng đồng đều chia sẻ và chúc mừng những đứa trẻ bị trao nhầm đã tìm được cha mẹ ruột của mình. Tuy nhiên, sau đó, những người trong cuộc lại rơi vào tình cảnh đau khổ, dằn vặt, hụt hẫng, tủi thân.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Trang tâm sự từ nhỏ chị được sống trong tình yêu thương của cha mẹ nhưng đến tháng 9/2015, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (mẹ chị Trang) mang tờ giấy xét nghiệm ADN và nói chuyện với chị về thân phận. Người phụ nữ này đã sốc khi biết mình không phải con gái ruột của bà Hạnh.
Theo lời người mẹ, ngày 10/10/1974, bà Hạnh vào nhà hộ sinh Ba Đình sinh con lần thứ ba. Khi nữ hộ sinh giao con, bà đã nghi ngờ vì thấy trên tay con số đeo biển 32. Trong khi đó, thẻ đeo trên tay bà Hạnh là 33. Bà đã thắc mắc và đi tìm đứa trẻ mang số 33 nhưng không có. Y tá giải thích tắm cho trẻ nên số trên tay bị mờ.
Sau khi biết mình không phải con ruột của mẹ Hạnh, chị Trang và chồng là anh Nguyễn Trung Thành đã đến làm việc với nhà hộ sinh Hàng Bún xin trích lục khai sinh của 10 đứa trẻ sinh từ 9-11/10/1974. Họ bắt đầu đi đến các gia đình tìm người thân nhưng có gia đình tiếp, có gia đình không đồng ý hoặc chuyển đi nơi khác.
Ba tháng sau, chị N.L.A (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ đến gia đình bà Hạnh nhận là con ruột, không làm xét nghiệm ADN. Sau đó chị L.A. đưa chị Trang vào Đà Nẵng nhận cha mẹ ruột là ông N.L.H (SN 1941) và bà N.K.D (SN 1947) trú tại Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội đang sống tại Đà Nẵng.
Nói trong nước mắt, chị Trang cho biết khi gặp ông H., bà D. và hai người con gái thấy có nét giống mình, chị Trang nghĩ rằng máu mủ tình thân sẽ là sợi dây hàn gắn cho họ. Nhưng điều chị Trang nhận được là sự thờ ơ, lạnh nhạt. Cùng với đó, chị L.A cũng về ở nhà bà Hạnh. Hai tháng sau, người phụ nữ này "không từ mà biệt". Bà Hạnh nhiều lần đi tìm nhưng chị L.A từ chối gặp và gần 8 năm qua không đi lại, thăm hỏi.
"Mẹ có nhận nhầm ông bà không?"
Còn về phần mình, chị Trang vẫn thực hiện đạo làm con. Ngày lễ tết, giỗ chạp, vợ chồng chị đưa con cái đến thăm ông bà ngoại. Cưới con trai, con gái chị Trang đều mời nhưng vợ chồng ông H., bà D. không đến.
Nhiều lần các con gặng hỏi chị “mẹ có nhận nhầm ông bà không?”. Chị lại lảng tránh sang chuyện khác nhưng đằng sau là nỗi tủi thân, đau đáu suy nghĩ: "Có khi nào mình không phải con ruột".
"Tôi không hiểu vì sao gia đình lại lạnh nhạt với mình, thậm chí tôi từng hỏi mẹ D.: 'Con có phải con của mẹ không?'. Nhưng mẹ D. chỉ trả lời rằng con nghĩ thế nào cũng được”. Những câu nói lấp lửng đó khiến chị Trang luôn muốn đi tìm cha mẹ ruột thật sự của mình.
Chị nhiều lần nói trực tiếp, gọi điện hoặc nhắn tin mong làm xét nghiệm ADN với ông H. và bà D. nhưng chỉ nhận được câu trả lời “để làm sau” hoặc “từ từ”.
Cách đây ba tháng, chị đã gửi thư cho bà D. và nói rằng: “Khi tìm được mẹ, con đã rất vui nhưng sự xuất hiện của con đã khiến các đấng sinh thành phiền lòng. Con sẽ dừng liên lạc”. Trả lời lại chị Trang chỉ là câu “mẹ xin lỗi”. Thậm chí, chị đã gọi điện giãi bày: “Con chỉ muốn làm xét nghiệm với mẹ. Nếu không cùng huyết thống, con sẽ đi tìm bố mẹ ruột của con”. Bà D. trả lời: “Con cứ đi tìm đi”.
Từ đây, chị Trang càng khao khát muốn tìm về nguồn cội hơn. Người phụ nữ không biết bắt đầu từ đâu. Chị Trang đã viết một lá đơn gửi lên Sở Y tế Hà Nội “cầu cứu”. Ở tuổi 50 người phụ nữ này muốn tìm sự thật về đấng sinh thành ra mình. “Nếu làm giám định tôi đúng là con của ông H. và bà D. tôi còn đau gấp nhiều lần là không phải. Bởi vì máu mủ nhưng vẫn bị lạnh nhạt, từ chối. Tôi còn mong nếu được làm xét nghiệm tôi sẽ không cùng huyết thống với họ”, chị Trang nói.