Vừa rồi, tôi đọc rất nhiều câu chuyện về việc ở rể. Vui có, buồn có nhưng có lẽ sẽ không ai rơi vào tình cảnh như tôi. Ngay lúc này, tôi cảm thấy mình đã chạm đến tận cùng sự tủi nhục.
Tôi mồ côi từ nhỏ nên khi lập gia đình, tôi đến nhà vợ ở rể trong tâm lý thoải mái.
Vốn thiếu tình yêu thương gia đình, khi về sống với ba mẹ vợ, tôi xem ông bà như cha mẹ ruột của mình.
Đổi lại, ba mẹ vợ cũng quý mến và không khiến tôi cảm thấy tự ti, mặc cảm. Nhưng ở đời thường được cái này lại mất cái khác. Vợ tôi là con một, lại được cưng chiều từ nhỏ nên sống phóng túng, thích chơi hơn thích làm.
Đã ở rể lại thêm cô vợ không chịu khép mình vào kỷ luật nên trong mối quan hệ vợ chồng, tôi luôn chịu phần thua thiệt. Mọi việc trong nhà đều do một tay tôi tự lo.
Vợ tôi ngoài giấc ngủ vào mỗi đêm, hầu hết thời gian đều ở tiệm may âu phục của mình hoặc đi hẹn hò với chúng bạn.
Tôi nhiều lần phàn nàn về việc này khiến đời sống vợ chồng không mấy ấm êm. Vì thế, cưới nhau 2 năm, tôi mới nhận tin vui được làm cha. Thông tin vợ có thai khỏa lấp mọi nỗi buồn của tôi.
Đặc biệt là khi con chào đời. Tôi đắm chìm trong niềm vui được làm cha và quên hết những tật xấu của vợ. Tôi mặc kệ việc sau thời gian ở cữ, vợ quay về cách sống như ban đầu, suốt ngày ở lỳ ngoài tiệm may, hẹn bạn bè đi nhảy, hát karaoke…
Thế rồi khi bé vừa thôi nôi được một tuần, vợ tôi không may gặp tai nạn rồi qua đời trên giường bệnh. Tôi đau buồn vô hạn. Lúc bấy giờ, con trai trở thành niềm an ủi, động lực để tôi làm việc, quên đi nỗi đau mất vợ.
Vợ mất, tôi ở vậy nuôi con. Tôi tự dặn lòng không nghĩ đến người phụ nữ nào khác vì thương vợ bất hạnh mất sớm. Tôi cũng thương ba mẹ vợ đau lòng đến đổ bệnh khi mất đi đứa con gái ông bà nhất mực cưng chiều.
Thế nhưng khi con càng lớn, tôi càng thấy cháu không giống mình. Cả bố mẹ vợ tôi cũng nói cháu ngoại không có nét giống bố. Ban đầu, tôi cũng không để ý nhưng càng ngày càng nhiều người nhận ra và thắc mắc về chuyện khó hiểu này.
Vừa rồi, trong lúc thay quần áo đi học, bé hỏi tôi tại sao mọi người nói con không giống ba. Tôi rất bất ngờ nhưng cố cười, giải thích rằng đó chỉ là câu đùa của mọi người.
Thế nhưng con gạt đi. Con bắt tôi cùng nhìn vào gương rồi nói: “Tai ba thì to, tai con nhỏ và mềm. Mắt ba bé tẹo, mắt con thì to. Tóc ba cứng, xoăn, tóc con thì mềm và thẳng như các bạn gái”.
Tôi giật mình, nhìn kỹ thì thấy con nói không sai điểm nào. Sau khi không thể chịu đựng thêm những nghi hoặc đang sục sôi, dày vò mình từng ngày, tôi cầm theo mẫu tóc của con trai đi làm xét nghiệm ADN.
Thật không thể ngờ, kết quả cho thấy tôi và con không cùng huyết thống. Đứa bé do vợ tôi sinh ra, được tôi nuôi dưỡng, yêu thương, xem như động lực sống suốt 5 năm qua lại không phải là máu mủ của tôi.
Tôi đau đớn, nhục nhã đến tột cùng. Tôi nhất thời không chấp nhận được sự thật ấy. Trái tim tôi như vỡ tung khi biết rằng, đứa bé mà mình yêu thương hơn cả bản thân là kết quả của việc vợ ngoại tình với người đàn ông khác.
Điều đó có nghĩa là cô ấy đã lừa dối, phản bội tôi ngay từ đầu. Suốt 5 năm qua, tôi đã nuôi, yêu thương giọt máu của người khác. Ý nghĩ ấy khiến tôi uất ức, có phần mất thiện cảm với đứa bé vẫn đang gọi mình là cha.
Giờ đây, lòng tôi ngổn ngang suy nghĩ. Tôi không biết mình phải làm thế nào cho đúng. Liệu tôi có nên đi khỏi gia đình này, bỏ lại đứa bé vốn không phải là máu mủ của mình để tìm hạnh phúc mới?
Độc giả giấu tên