Ông N.Đ.C (70 tuổi, trú tại Hà Nội) thường xuyên bị mất ngủ, ăn uống không ngon, thể chất kém. Ông đã đến nhiều bệnh viện kiểm tra nhưng không phát hiện ra bệnh và được khuyên nên kiểm tra sức khỏe tâm thần.
Tại Bệnh viện E (Hà Nội), bác sĩ Vũ Thu Thủy, Khoa Sức khỏe tâm thần, cho biết khi tiếp nhận bệnh nhân luôn trong trạng thái buồn rầu, người mệt mỏi, không có động lực làm việc. Bác sĩ có nhiều cách kiểm tra nhưng bệnh nhân không cười, sắc mặt trầm buồn.
Theo chia sẻ của ông C., từ khi về hưu, hai vợ chồng ông có thời gian nhiều bên nhau hơn. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng lại phát sinh nhiều vấn đề. Người vợ liên tục lớn tiếng mắng nhiếc chồng giả bệnh trốn tránh việc nhà. Ông chọn cách tránh đi nơi khác nhưng khi quay về vợ càng đay nghiến, lớn tiếng hơn.
Thái độ và hành động của người vợ khiến người đàn ông này cảm thấy mệt mỏi. Hai người không thể nói chuyện với nhau. Tâm lý của ông C. ngày càng bất ổn và cảm thấy mình kém cỏi. Dù ông luôn hoàn thành các công việc trong nhà nhưng vợ vẫn không hài lòng và đay nghiến.
Khám cho nam bệnh nhân, bác sĩ Thủy cho biết đây là biểu hiện của tình trạng rối loạn trầm cảm. Bệnh nhân được sử dụng thuốc chống trầm cảm và điều trị tâm lý.
Bác sĩ cũng gặp gỡ tư vấn cho vợ để bà cùng phối hợp điều trị. Sau khi được giải thích tình trạng sức khỏe tâm thần của ông C., người vợ đã hiểu ra và thay đổi. Hai tháng sau, tình trạng mất ngủ, tâm lý người đàn ông này chuyển biến tích cực. Hai vợ chồng đã nói chuyện được với nhau bình thường, không khí gia đình vui vẻ hơn. Khí sắc của bệnh nhân cũng cải thiện rõ rệt.
Bác sĩ Thủy cho biết bạo hành tâm lý không phải hiếm gặp. Thậm chí, bạo lực ngôn từ còn khủng khiếp hơn nhiều lần sự đánh đập, gây nên những ức chế tâm lý, làm tổn thương về tinh thần ở mức nghiêm trọng.
Người bạo hành dùng các lời nói làm tổn thương đối phương khiến họ mất tự tin trong cuộc sống, nhút nhát hơn. Một số trường hợp ngược lại có thể gây kích động, dẫn đến lạm dụng chất gây nghiện, nặng hơn là rối loạn tâm thần.