Ngày 20/11, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội thảo “Rối loạn học tập ở trẻ em”. Đây là các rối loạn thường gặp ở lứa tuổi học đường nhưng ít được quan tâm.
Trường hợp điển hình là nam sinh 14 tuổi, trú tại Hà Nội vào khám vì rối loạn hành vi. Theo gia đình, bệnh nhân lúc nhỏ phát triển bình thường nhưng nói khó so với các bạn cùng trang lứa. 4 tuổi, bệnh nhân chỉ nói được những câu ngắn, khó mô tả bức tranh hay kể một câu chuyện liền mạch, không thuộc lời bài hát, bài thơ đơn giản.
Khi học tiểu học, bệnh nhân tiếp thu được bài, có thể ghi nhớ các kiến thức và áp dụng các công thức, học giỏi toán. Lớp 1-2, bệnh nhân gặp khó khăn trong môn tiếng Việt, khó hiểu nội dung câu chữ, chép sai từ trong sách in ra vở viết, nói chuyện không rành mạch, đôi khi phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể.
Lên cấp 2, bệnh nhân tiếp tục học kém môn văn, khó hiểu đề bài, vấp khi dùng từ, diễn đạt. Khi lên lớp 9, bị bạn bè trêu chọc nên bệnh nhân dễ mất tập trung, vò tóc, căng thẳng, học tập giảm sút, giật tóc bạn bè.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, nam sinh được chẩn đoán rối loạn hành vi thanh thiếu niên và học tập. Bác sĩ cho sử dụng thuốc, sau 10 ngày các triệu chứng giảm. Tuy nhiên, khi ra viện bệnh nhân cần được các chuyên gia tâm lý, giáo dục hỗ trợ.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến - Phòng Tâm thần Nhi - Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, rối loạn học tập được xếp vào các rối loạn phát triển bao gồm ba nhóm chính:
- Rối loạn đọc: Đặc trưng là khó khăn khi đọc, nhận diện, đánh vần, hiểu được đoạn văn. Tỷ lệ này chiếm 80% các trường hợp rối loạn học tập. Biểu hiện có thể xuất hiện độc lập hoặc đi kèm với các rối loạn khác như tăng động giảm chú ý, cảm xúc hành vi.
- Rối loạn viết: Biểu hiện là khó khăn khi viết chính tả.
- Rối loạn tính toán: Khó khăn trong nhận biết con số, tính toán. Biểu hiện khác nhau ở các lứa tuổi, hay đi kèm rối loạn đọc, tăng động giảm chú ý.
Các rối loạn này có thể do yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, các vấn đề liên quan tới gene. Bệnh nhân có thể gặp 1 trong 3 rối loạn trên.
Ở rối loạn học tập, trẻ thường chỉ khó khăn 1 kỹ năng như đọc, viết, tính toán còn trí thông minh vẫn bình thường. Nhiều đứa trẻ học rất giỏi toán nhưng việc đọc lại rất kém. Bác sĩ Yến nhấn mạnh đây không phải khuyết tật về trí tuệ hay tự kỷ.
Dấu hiệu rối loạn học tập như:
1. Đọc từ không chính xác hoặc chậm và tốn nhiều công sức, đọc to từng từ đơn.
2. Khó hiểu ý nghĩa của những gì đã đọc. Trẻ có thể đọc chính xác văn bản nhưng không hiểu trình tự.
3. Kém chính tả, có thể thêm, bớt các nguyên âm hoặc phụ âm.
4. Khó khăn khi diễn đạt như mắc nhiều lỗi ngữ pháp.
5. Khó khăn trong việc nắm vững ý nghĩa số, các dữ kiện về số hoặc phép tính.
6. Khó khăn với các lập luận toán học.
Khi những biểu hiện trên kéo dài 6 tháng, cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra để đánh giá sớm các rối loạn học tập. Can thiệp sớm mang lại hiệu quả tốt hơn, giảm ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ.
Theo bác sĩ Yến, việc can thiệp cho trẻ rối loạn học tập cần thời gian dài với nhóm hỗ trợ từ bác sĩ tâm thần, chuyên khoa tâm lý, ngôn ngữ, giáo dục. Qua đó, trẻ có thể có các mối quan hệ bạn bè bình thường, học tập tốt hơn.