TS Nguyễn Thị Mai Ngọc, Viện Tim mạch Việt Nam, cho hay, trong lồng ngực ngoài tim còn có phổi, xương sườn, cơ, khí quản, thực quản... Một tạng có vấn đề chức năng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến các tạng khác.
Theo Tiến sĩ Ngọc, đau thắt ngực có hai nhóm nguyên nhân chính là "không do tim" và nhóm "do tim".
Các vấn đề của dạ dày là nguyên nhân thường gặp nhất gây triệu chứng đau ngực không do tim. Nhiều người đến khám vì đau vùng ngực, tưởng đau tim nhưng thực chất là trào ngược dạ dày thực quản.
Thực quản là ống nối dạ dày đến miệng, nằm ở lồng ngực, ngay sau quả tim. Người bị viêm dạ dày, dịch vị axit tiết quá nhiều gây dư thừa và trào ngược lên thực quản. Bệnh nhân cảm giác đau ran ngay sau ngực, đau từ dưới lan lên trên trước xương ức nên tưởng là đau ngực.
Viêm, đau liên quan xương sườn: Lồng ngực có xương sườn và cơ, sụn sườn, có bó mạch thần kinh liên sườn... Nếu tập yoga, xà, tạ... bị lệch tư thế, hoặc nằm ngủ lâu, tì đè một bên, hoặc trời lạnh tác động vị trí nào đó ở vùng vai gáy... sẽ gây co cơ một bên, làm mất cân xứng trương lực cơ hai bên, gây tình trạng đau ngực.
Nhiều người đến khám đau ngực trái, có trường hợp đau thần kinh liên sườn lan lên cổ, cằm, tay, gây đau ngay vùng tim, nhưng nguyên nhân vẫn thường do cơ xương khớp.
"Nếu ấn điểm nào thấy đau nhói hơn, bác sĩ nghĩ nhiều đến viêm khớp sụn sườn, viêm khớp ức sườn. Nếu đau lan theo hướng nhất định là do tư thế nằm, hoặc do tập thể dục chỉ thuận một bên mất cân xứng, gây co cơ", vị bác sĩ phân tích.
Một số trường hợp còn có cảm giác rát, bỏng, khó chịu vùng ngực, nghi ngờ đau tim. Tuy vậy, sau 1-2 ngày, cơ thể nổi chấm đỏ li ti ngoài da, đó là triệu chứng thường gặp của zona thần kinh liên sườn, cạnh sườn, theo bác sĩ Ngọc.
Chấn thương vùng ngực: Những cú ngã, va đập vào vai, ngực có thể làm xương sườn bị nứt hay mất sự kết nối liên tục dù không gãy rời hẳn ra. Vết thương này sau khi liền vẫn có thể ảnh hưởng bó mạch thần kinh liên sườn. Vì vậy, nếu có yếu tố thuận lợi như thay đổi tư thế bất ngờ, cử động mạnh, hít vào thở ra... sẽ động chạm bó mạch đó, làm bệnh nhân đau ngực.
Các bệnh lý về phổi cũng gây đau ngực. Phổi nằm trong lồng ngực, được bao quanh màng mỏng. Giữa màng và phổi có lớp dịch mỏng để phổi trơn tru, hít vào phổi nở, thở ra thì co lại.
Trong trường hợp có viêm màng phổi hay tràn dịch màng phổi, mắc viêm phế quản nhẹ, bệnh nhân có thể đau ngực. Nhiều người trẻ tập thể dục xong thấy đau ngực nhiều, đi khám chụp phim, bác sĩ phát hiện nguyên nhân do bài tập quá nặng, gây vỡ phế nang, tràn khí màng phổi, làm phổi nở ra khó khăn khiến bệnh nhân đau ngực.
"Nếu người trẻ kêu đau ngực đến khám, chúng tôi bắt buộc phải chụp phổi và hỏi về các bài tập thể dục, cường độ mạnh, nhẹ… để loại trừ nguyên nhân tràn khí màng phổi", bác sĩ Ngọc cho hay.
Không ít người sau sốt virus than phiền đau ngực, hoặc khi nằm nghiêng một bên hay chỉ hít vào cũng thấy khó chịu, bác sĩ sẽ chỉ định chụp phim, siêu âm màng phổi để xem có tràn dịch màng phổi không. Nếu có thì đây là nguyên nhân gây đau ngực, thường kèm thêm ho khan.
Tâm lý căng thẳng, stress... là "thủ phạm" gây đau ngực không do tim. Theo bác sĩ Ngọc, stress, áp lực, lo âu kích thích hoạt hóa hệ thần kinh giao cảm, sản xuất ra chất gây co mạch làm tim bóp mạnh hơn, đập nhanh hơn, nên bệnh nhân thường kêu đau ngực, kèm theo cảm giác hồi hộp, trống ngực đập thình thịch.
Ăn uống kiêng khem, không đủ chất cũng gây thiếu máu, làm nhịp tim nhanh, từ đó gây đau ngực.