Theo hãng tin Reuters, việc tàu quân sự Trung Quốc cập cảng Sri Lanka có thể khiến cuộc ganh đua giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai đồng minh lớn nhất của Sri Lanka, thêm phần dữ dội. Ấn Độ lo ngại Trung Quốc có thể dùng cảng Hambantota, gần tuyến đường vận chuyển then chốt Á - Âu, làm căn cứ quân sự.
Một quan chức cảng đề nghị giấu tên cho biết: "Tàu Trung Quốc sẽ đậu ở cảng trong 3 ngày. Mục đích của việc thả neo ở cảng là nạp nhiên liệu, thực phẩm và các đồ thiết yếu khác".
Vài giờ sau khi tàu Trung Quốc cập cảng, một phát ngôn viên của nội các Sri Lanka nói, quốc đảo này đang nỗ lực đảm bảo không làm rạn nứt quan hệ giữa các quốc gia thân thiện. "Ngay cả trước khi sự việc này diễn ra, tàu Mỹ, Ấn Độ và các nước khác cũng tới Sri Lanka. Chúng tôi cho phép các tàu khác tới và cũng như vậy, chúng tôi cho tàu Trung Quốc cập cảng", Bộ trưởng Truyền thông Sri Lanka nói với các phóng viên.
Các nhà phân tích an ninh nước ngoài mô tả tàu Yuan Wang 5 là một trong những tàu giám sát không gian thế hệ mới nhất của Trung Quốc. Nó được dùng để giám sát các vệ tinh, rocket và những vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Lầu Năm Góc cho biết, tàu Yuan Wang do Lực lượng hỗ trợ chiến thuật của quân đội Trung Quốc vận hành. Cuối tuần trước, Sri Lanka tuyên bố, cho phép tàu này cập cảng Hambantota, bất chấp những lo ngại an ninh mà Ấn Độ và Mỹ nêu ra. Ấn Độ bác bỏ thông tin cho rằng nước này gây sức ép để Sri Lanka không đón tàu Trung Quốc.
Ban đầu, tàu Yuan Wang dự kiến cập cảng Hambantota vào ngày 11/8, song Chính phủ Sri Lanka trì hoãn việc này, dường như vấp phải sự phản đối của New Delhi và Washington.
Tờ Bưu điện Washington dẫn lời một quan chức chính phủ Sri Lanka nói, tàu Trung Quốc cập cảng Hambantota không mang ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược, nhưng Ấn Độ và Mỹ cho rằng Sri Lanka đối xử đặc biệt với Trung Quốc - chủ nợ lớn của Sri Lanka trong bối cảnh nước này đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.
>>>Đọc thêm tin quốc tế trên báo VietNamNet