Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 15/5, bà Andersson cho biết: "Các thành viên Đảng Dân chủ xã hội chúng tôi cho rằng, điều tốt nhất cho Thụy Điển và an ninh của người dân Thụy Điển là chúng tôi gia nhập NATO. Đây là quyết định chúng tôi đã đưa ra sau khi cân nhắc rất kỹ lưỡng".
Theo bà Andersson, quyết định trên đảo ngược lập trường Thụy Điển đã theo đuổi suốt 200 năm qua vì đất nước phải "thích ứng với thực tế" và đưa ra quyết định dựa theo bối cảnh hiện tại.
CNN dẫn lời thủ tướng Thụy Điển giải thích: "Rõ ràng là đã có bối cảnh trước và sau ngày 24/2/2022 (ngày Nga mở chiến dịch tấn công quân sự sang Ukraine). Châu Âu, Thụy Điển và người dân Thụy Điển đang sống trong một thực tế mới đầy nguy hiểm. Trật tự an ninh châu Âu làm căn cứ cho các chính sách an ninh của Thụy Điển trong nhiều thế kỷ, đang bị tấn công".
Bà Andersson cho biết thêm, bà sẽ đến Quốc hội Thụy Điển vào ngày 16/5 để tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi cho đơn xin gia nhập NATO. Trong một thông điệp trên Twitter, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde gọi đây là "quyết định lịch sử".
Trước đó, đảng Dân chủ xã hội cầm quyền cũng cho đăng tải thông cáo trên trang web về quyết định. Thông cáo nêu rõ, trong trường hợp đơn xin được NATO chấp thuận, đảng sẽ tìm cách đưa ra các điều kiện đơn phương chống lại việc bố trí vũ khí hạt nhân và các căn cứ thường trực trên lãnh thổ Thụy Điển.
Động thái được dự đoán từ trước của Thụy Điển diễn ra tiếp sau khi nước láng giềng Phần Lan cùng ngày đã chính thức tuyên bố gửi đơn xin tham gia NATO. Cả hai nước Bắc Âu này trước đây từng bác bỏ khả năng trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu vì lí do lịch sử và địa chính trị.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây khẳng định, liên minh luôn "rộng cửa" chào đón Thụy Điển và Phần Lan. Ông Stoltenberg tin tưởng rằng, tiến trình để hai nước chính thức được kết nạp vào liên minh có thể sẽ rất nhanh chóng.
Tuấn Anh