Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa đề xuất hỗ trợ chỗ ở và phương tiện cho hơn 1.400 cán bộ sau khi sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận, đồng thời triển khai các dự án trụ sở mới nhằm đảm bảo hoạt động hành chính không bị gián đoạn.
Ngày 21/4, Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa hoàn tất báo cáo phương án sắp xếp tài sản công, nhà công vụ và phương tiện phục vụ cán bộ, công chức, viên chức sau khi sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, dự kiến trụ sở hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa.
Theo báo cáo, khoảng 1.451 người từ tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục làm việc tại địa phương sau khi bộ máy hành chính hợp nhất. Trong đó, khối chính quyền cấp tỉnh có hơn 1.099 người, còn lại là khối Đảng, đoàn thể.
Trụ sở làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa đang xây mới. Ảnh: Xuân Ngọc
Để phục vụ việc đi lại, Sở Tài chính đề xuất các phương án như: bố trí xe công vụ đưa đón theo tuyến cố định; hỗ trợ chi phí cho cán bộ sử dụng phương tiện cá nhân; sử dụng xe buýt điện do tỉnh vận hành; hỗ trợ chi phí di chuyển bằng tàu hỏa trong trường hợp ở xa. Các phương án này nhằm đa dạng hóa lựa chọn cho cán bộ theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm ngân sách và phù hợp với tình hình thực tế sau sáp nhập.
Sẽ bố trí nhà công vụ theo tiêu chuẩn
Theo Sở Tài chính, tỉnh Khánh Hòa hiện triển khai hàng loạt dự án trụ sở mới. Dự án xây dựng trụ sở Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh có tổng vốn đầu tư hơn 544 tỷ đồng, đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 10/2025.
Cùng với đó, dự án Trung tâm Hành chính tỉnh tại xã Vĩnh Thái (dự kiến là phường Nam Nha Trang) có tổng mức đầu tư gần 1.870 tỷ đồng, phục vụ khoảng 1.200 cán bộ. Công trình này sẽ là đầu mối làm việc của các sở, ban, ngành sau khi hoàn tất sáp nhập, dự kiến triển khai giai đoạn 2025–2027.
Ga Nha Trang, một trong những phương án được đưa ra cho việc di chuyển của cán bộ sau sáp nhập. Ảnh: Xuân Ngọc
Về chỗ ở, Sở Tài chính đề xuất bố trí nhà công vụ theo tiêu chuẩn từng chức danh. Cụ thể, với chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ được bố trí căn hộ chung cư khép kín, diện tích 100–145m², trang bị nội thất tối đa 200 triệu đồng mỗi căn; Giám đốc sở và tương đương sẽ được bố trí căn hộ diện tích 80–100 m², nội thất tối đa 180 triệu đồng.
Dự kiến, có 12 căn nhà công vụ được cải tạo tại Nhà khách Tỉnh ủy, tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, hoàn thành trong năm 2025. Cán bộ không đủ điều kiện bố trí nhà công vụ sẽ được hỗ trợ thuê nhà ở xã hội với mức giá phù hợp, có thể xem xét hỗ trợ chi phí tùy hoàn cảnh cụ thể.
Ngoài ra, các ký túc xá cũ và quỹ nhà chưa sử dụng cũng đang được rà soát để chuyển đổi thành nhà công vụ. Một số cơ sở như ký túc xá Trường Chính trị, Trường Cao đẳng Y tế, ký túc xá sinh viên có thể cung cấp thêm khoảng 1.500 chỗ ở.
KTX Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa tại khu đất rộng khoảng 12ha ở xã Vĩnh Ngọc. Ảnh: Xuân Ngọc
Theo Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Trung ương dự kiến hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa thành một tỉnh mới với tên tỉnh là Khánh Hòa; trung tâm chính trị – hành chính sẽ đặt tại Khánh Hòa hiện nay.
Lãnh đạo hai tỉnh đã làm việc, trao đổi, thống nhất về bộ máy tổ chức, trụ sở hành chính cùng một số vấn đề liên quan. Hai tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch bố trí phương tiện, tạo điều kiện để cán bộ chủ động thời gian di chuyển, bảo đảm công việc không bị gián đoạn.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh sẽ làm đồng Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính hai tỉnh.
Tuyến đường ven biển kết nối Khánh Hòa và Ninh Thuận được kỳ vọng tạo ra trục phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hai tỉnh đang triển khai đề án sáp nhập.
Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có điều kiện phát triển các tuyến giao thông. Nếu tỉnh này sáp nhập vào TPHCM, việc kết nối đi lại của người dân hiện nay chủ yếu là đường bộ theo quốc lộ 51 và phải qua địa phận Đồng Nai.