Vấn đề nhận sáp nhập một ngân hàng, cho vay nợ với khách hàng bất động sản được cổ đông đặt ra với lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) tại đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) diễn ra sáng nay, 25/4.
Theo tờ trình được Phó Tổng giám đốc Điều hành Phạm Như Ánh báo cáo trước đại hội, dự kiến năm nay MB sẽ nhận sáp nhập một ngân hàng, phù hợp chủ trương của Nhà nước.
Tuy nhiên, cổ đông cho rằng, nội dung này đã được ĐHCĐ năm ngoái thông qua, song việc thực hiện vẫn chưa có tiến triển và đề nghị Ban lãnh đạo làm rõ lý do, lộ trình cụ thể.
Trả lời cổ đông, Phó Tổng giám đốc Phạm Như Ánh cho biết, hiện nay các thủ tục định giá ngân hàng được chuyển giao đang được tiến hành.
“Theo quy định thời hạn là 11 tháng và việc này mới làm từ tháng 3/2023. Cho nên dự kiến cuối năm hoặc đầu năm 2024 mới xong thì mới có thể tiến hành các thủ tục sáp nhập”, ông Ánh nói.
Trong khi đó, nhiều cổ đông đặt vấn đề về dư nợ cho vay với bất động sản, nhất là trong bối cảnh có thông tin cho rằng MB cho vay mảng này tỷ lệ cao, và nhiều khách hàng lớn đang gặp khó khăn như Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam…
Theo ông Ánh, các số liệu cụ thể thì không được phép công bố bởi đó là bí mật khách hàng. Tuy nhiên, con số đã giảm đáng kể nếu so với thông tin từ các báo cáo tài chính của một số khách hàng hồi cuối năm ngoái.
“Ví dụ như với Hưng Thịnh thì MB không có trái phiếu. Chỉ cho vay gói xây lắp và tỷ lệ không đáng kể. Novaland thì dư nợ đã giảm tương đối lớn và sẽ không lo phát sinh nợ xấu trong năm 2023”, ông Ánh khẳng định.
Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái cho biết thêm, tỷ lệ cho vay BĐS của ngân hàng chỉ trên dưới 8% và tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ, có tài sản đảm bảo đầy đủ, không phát sinh nợ xấu.
Tương tự, một khoản cho vay được các cổ đông quan tâm là với các dự án năng lượng tái tạo.
Theo ông Thái, đúng là các khách hàng của MB có 4 dự án năng lượng tái tạo không kịp hưởng giá ưu đãi (giá FIT) và đang xúc tiến đàm phán giá mới với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Thái khẳng định đây đều là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh nên các khách hàng này vẫn giải quyết được yêu cầu trả nợ.
Tăng vốn điều lệ
Trước Đại hội, HĐQT trình phương án tăng vốn điều lệ từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng.
Trình bày tờ tình về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT MB cho hay, tổng mức vốn điều lệ dự kiến tăng thêm hơn 8.343 tỷ đồng, bao gồm 6.801 tỷ đồng từ việc phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tương đương tỷ lệ 15%); và 1.542 tỷ đồng từ việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được MB thông qua từ trước đó và đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ mới của MB sẽ đạt hơn 53.683 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tối đa sau khi tăng vốn là 23,2351% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, từ nay đến quý II/2024, MB sẽ tiếp tục triển khai các phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP như đã được Đại hội thường niên 2022 thông qua và NHNN chấp thuận.
Bà Thuỷ cho hay, phần vốn tăng thêm sẽ được MB sử dụng bổ sung vốn đầu tư. Trong đó, đầu tư năng lực bao gồm việc đầu tư hệ thống, giải pháp CNTT, đầu tư trụ sở MB tại khu vực TP.HCM, các khu vực, địa bàn trọng điểm và đầu tư khác là 7.088 tỷ đồng và bổ sung vốn kinh doanh khác 1.255 tỷ đồng.
Đại hội cũng xem xét để thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 đối với ông Lê Hữu Đức theo nguyện vọng cá nhân.
Báo cáo trước cổ đông về nội dung nay, bà Thuỷ thông tin, ông Lê Hữu Đức trước đó cũng xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT MB. Sau khi miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Lê Hữu Đức, HĐQT MB còn lại 10 thành viên và không bầu bổ sung thành viên mới.
Người đảm nhiệm vị trí này thay ông Đức là Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái.
Đại hội đã thông qua tất cả các nội dung quan trọng nói trên.