Theo Chi cục An toàn thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội), đơn vị đã ban hành kế hoạch chuyên đề Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, thành phố chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát trong, xung quanh cổng trường, các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn.
Trước đây, an toàn thực phẩm trường học được quản lý tập trung với ngành giáo dục và y tế. Hiện nay, công tác giám sát có sự huy động của cả chính quyền nơi trường học đóng trên địa bàn.
Năm 2024, Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức đã xây dựng Kế hoạch số 276, chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức (Hà Nội), đến nay, công tác quản lý và hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn, hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước trên địa bàn mang lại nhiều hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm trong, xung quanh cổng trường.
Bà Thanh cho rằng đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đối với khu vực xung quanh trường học còn nhiều thách thức và phải làm thường xuyên, liên tục, lâu dài, không làm theo phong trào, nửa vời.
Phòng y tế huyện Hoài Đức đã xây dựng kế hoạch tập huấn về an toàn thực phẩm năm 2024 với các học viên là cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các xã, thị trấn, hiệu trưởng trường học, chủ cơ sở giáo dục, người chế biến thực phẩm tại trường trên địa bàn. Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Y tế phối hợp thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, ký cam kết chuyên đề an toàn thực phẩm trường học.
Huyện Ba Vì có 120 trường học, gần 150 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Các cơ sở này do ủy ban nhân dân các xã, thị trấn quản lý,
Theo ông Hoàng Xuân Trường, Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì, trong 7 tháng đầu năm, các địa phương đã kiểm tra 114 cơ sở kinh doanh và 77,5% các cơ sở đạt đảm bảo an toàn thực phẩm. Các loại đồ ăn vặt, bò khô, mì tôm… không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị tịch thu và tiêu hủy.
Trong năm học 2024-2025, Ủy ban nhân dân Ba Vì đã ban hành Kế hoạch chuyên đề về tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học trên địa bàn.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 8, các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai Kế hoạch số 210/2024 của UBND thành phố về chuyên đề Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo kế hoạch, các địa phương phải đạt chỉ tiêu cụ thể như:
- 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận được kiểm soát an toàn thực phẩm.
- 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ǎn uống, thức ăn đường phố xung quanh trường học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện và ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
- 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường được kiểm tra, giám sát định kỳ theo quy định. Trên 90% các cơ sở đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm và có nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm rõ ràng, đảm bảo văn minh đô thị, cách biệt với nguồn gây ô nhiễm.
- 100% chủ cơ sở và người tham gia chế biến tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường được tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm và khám sức khỏe theo quy định.
Khống chế không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại các cơ sở giáo dục, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn.
Cùng với đó, Hà Nội yêu cầu tuyên truyền về các hoạt động kiểm soát trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn. Các cơ sở nêu gương điển hình tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hoạt động tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học.