Phần nhân của món bánh mì rất đa dạng gồm nhiều nguyên liệu dễ nhiễm khuẩn khi chế biến, bảo quản, đặc biệt là pate.
Những vụ ngộ độc cả trăm người
Tháng 8 vừa qua, 149 người ở Đồng Tháp đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại một cửa tiệm ở TP Hồng Ngự. Các nạn nhân nhập viện cấp cứu với triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy…
Kết quả lấy mẫu bệnh phẩm, 29/51 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Salmonella. Kết quả lấy mẫu thực phẩm cho thấy 1/5 số mẫu patê gan nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Theo quyết định xử phạt của UBND tỉnh Đồng Tháp, cơ sở bánh mì vi phạm bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4 tháng do gây ra vụ ngộ độc cho 149 người. Ngoài ra, cơ sở trên phải lo mọi chi phí trong việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám và điều trị cho các nạn nhân với số tiền là 383 triệu đồng.
Đây không phải lần hiếm hoi món bánh mì kẹp quen thuộc với người dân Việt Nam gây ra những vụ ngộ độc hàng loạt.
Vào tháng 5, ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai khiến gần 600 trường hợp phải nhập viện. Trong đó, bé trai 5 tuổi tử vong sau 1 tháng cấp cứu, hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm như pate, thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua lấy tại cơ sở bánh mì phát hiện khuẩn Salmonella. Sở Y tế Đồng Nai kết luận, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc trên có liên quan đến vi khuẩn Salmonella.
Năm 2023, bánh mì Phượng (Hội An) cũng dính bê bối khi 313 người ngộ độc sau khi ăn tại quán. Đây là cửa tiệm có tiếng từng được nhiều trang du lịch nước ngoài đề cập là điểm ẩm thực cần đến ở Hội An. Mỗi ngày, quán có thể bán cho cả nghìn khách.
Giữa tháng 9, hơn 300 người (bao gồm khoảng 100 du khách nước ngoài) đã bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng, trong đó 273 ca phải nhập viện.
Thực khách bắt đầu ăn bánh mì từ 6h ngày 11/9, 5 tiếng sau xuất hiện ca bệnh đầu tiên. Những người bị ngộ độc có các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt cao.
Kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm làm nhân bánh mì được Viện Pasteur TPHCM thực hiện cho thấy các loại thịt, pate, bơ, đồ chua… nhiễm 3 loại vi khuẩn là E-coli, Coli-form và Shigella ở mức cao. Các loại vi khuẩn này chính là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Tiệm bánh mì Phượng tại Hội An bị phạt 96 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 3 tháng do nhiều vi phạm như chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe từ 5 người trở lên; vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định như khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh; chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm...
Quán phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
Chủ quán bánh mì Phượng đã gửi thư xin lỗi gửi đến khách hàng trên trang cá nhân, thừa nhận sơ sót của quán trong quy trình nhập nguyên liệu cũng như chưa đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Nguyên nhân bánh mì gây nguy cơ ngộ độc
Bánh mì kẹp các loại nhân là món phổ biến hằng ngày của người Việt Nam. Trước đây, món ăn thường chỉ bán ở các quán nhỏ lẻ ven đường với thành phần nguyên liệu đơn giản. Theo thời gian, bánh mì Việt được ưa chuộng hơn, thậm chí nổi tiếng khắp thế giới. Bởi vậy, các tiệm chuyên món này ngày càng có quy mô lớn. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng ở nhiều nơi chưa đảm bảo dẫn tới ngộ độc hàng loạt.
Nếu ăn bánh mì không, người dân rất ít có nguy cơ ngộ độc do bánh đã nướng, chỉ có thể gây hại nếu để lâu, có nấm mốc, kết cấu tách rã, dễ dàng quan sát được bằng mắt thường.
Trong khi đó, phần nhân bánh hiện nay đa dạng, được cho lẫn vào nhau. Nhiều chủ hộ tự sản xuất nguyên liệu để tạo vị thơm ngon riêng. Nếu không làm cẩn thận, nghiêm ngặt, thực phẩm dễ nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến hoặc sinh chất độc hại do không được bảo quản tốt, nhất là trong thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam.
Với các hộ kinh doanh mua nhân bánh từ chợ, các xưởng sản xuất ngoài, họ cũng khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến, bảo quản, vận chuyển.
Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội), cho rằng bánh mì không ít nguy cơ gây ngộ độc nặng. ông Thịnh nghi ngờ chất lượng nhân bánh như thịt, pate, thịt nguội, xúc xích, rau muối chua... Đặc biệt là pate có thành phần từ gan lợn, gan gà giàu axit amin, dễ sinh sôi vi sinh vật gây ngộ độc như E.Coli, Salmonella.
Tháng 5/2024, Bộ Y tế gửi văn bản số 2487 tới sở y tế các địa phương, sở an toàn thực phẩm, ban quản lý an toàn thực phẩm về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trong đó có nội dung:
Các cơ quan chức năng cần chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.
Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển.
Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố, có ý kiến ủng hộ "phải đánh vào túi tiền, phạt thật mạnh cơ sở không đảm bảo" nhưng lại có ý kiến phản biện rằng đây không phải là giải pháp cốt lõi.
Món cá biển được nhiều người dân Việt yêu thích vì hương vị đậm đà, giúp bữa cơm thêm ngon miệng. Tuy nhiên, bảo quản, chế biến cá không đúng cách sẽ gây nguy cơ ngộ độc histamine.