Với cú đúp vàng trong 30 phút, Nguyễn Thị Oanh đã đem vinh quang cho thể thao nước nhà. Liên tục phải tập luyện, thi đấu nhưng nữ sinh này vẫn dành thời gian để theo đuổi con đường học vấn khi lần lượt tốt nghiệp đại học, cao học.
Nguyễn Thị Oanh (SN 1995, Bắc Giang) đang gây sốt với các thành tích vừa giành được cho thể thao Việt Nam. Liên tục phải tập luyện, thi đấu nhưng Nguyễn Thị Oanh vẫn dành thời gian để theo học đại học, cao học.
Cô gái này xuất thân là sinh viên Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Năm 2022, Nguyễn Thị Oanh đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về huấn luyện thể thao tại Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
Hiện cô đã có bằng thạc sĩ với mong muốn theo đuổi con đường làm huấn luyện sau khi giải nghệ.
Tại buổi giao lưu trực tuyến do VietNamNet tổ chức với các đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Nguyễn Thị Oanh đã từng chia sẻ về chặng đường đầy chông gai khi đến với thể thao.
Oanh sinh ra trong gia đình thuần nông, đông anh chị em. Từ bé, thấy hình ảnh bố mẹ vất vả tần tảo sớm hôm để chăm lo cho gia đình nên Oanh luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng.
Ban đầu, gia đình cũng chưa hẳn ủng hộ Oanh theo điền kinh vì bố mẹ nói thể hình con bé, theo nghiệp thể thao sẽ vất vả. Bố mẹ muốn Oanh học một ngành khác nhàn hơn. Nhưng sau đó, được các thầy cô thuyết phục, thấy con gái đam mê nên bố mẹ Oanh cũng đồng ý và từ đó đến nay, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Oanh.
“Thể hình là một hạn chế đối với bản thân nên Oanh luôn cố gắng phát huy những điểm mạnh khác mà mình có. Có thể vì Oanh thấp nên may mắn có kỹ thuật, động tác tương đối phù hợp với bộ môn tập luyện”, Oanh chia sẻ.
Nhờ kỹ thuật tốt nên Oanh tận dụng hết được khả năng của cơ thể. Oanh luôn tập thêm những bài tập để phát triển và hoàn thiện bản thân. “Có thể mình không cao nhưng không vì thế mà mình chấp nhận dẫm chân tại chỗ”, Oanh nói.
Trong quá trình tập luyện và thi đấu đỉnh cao không chỉ riêng Oanh mà tất cả các vận động viên để có được thành công đều phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, thậm chí đôi khi phải đánh đổi bằng máu. Kỷ niệm nhớ nhất của Oanh là đợt tập huấn tại Trung Quốc trước thềm SEA Games 29.
“Hồi đó, do nội dung chính của Oanh bị cắt, không tổ chức nên em phải tập sang 2 nội dung phụ khác. Nội dung mới nên Oanh phải tập thích nghi với các bài tập. Có những buổi tập sau khi kết thúc, cơ thể Oanh hoàn toàn kiệt sức. Lúc này, người bị mỏi gần như từ hệ thần kinh đến hô hấp, cơ bắp... Khi đó, em không thể làm gì, chỉ biết khóc và nhờ các bạn dìu đi bộ để dần hồi phục”, Oanh nhớ lại.
Luôn cố gắng nỗ lực, song ,ít ai biết, “cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam từng suýt phải giã từ sự nghiệp vì bị bệnh thận.
“Cuối năm 2014, Oanh phát hiện mình mắc căn bệnh với dấu hiệu bị phù trán. Oanh đến bệnh viện khám và biết là mình bị viêm cầu thận, có hội chứng thận hư. Lúc đó, em rất khủng hoảng về tinh thần”.
Căn bệnh buộc Oanh phải dừng tập luyện, ảnh hưởng đến chuyên môn rất nhiều. “Khi đó, Oanh rất buồn khi mình là một người yêu vận động mà phải ở một chỗ xem mọi người tập luyện và thi đấu. Căn bệnh đã làm Oanh lỡ mất SEA Games 28”, Oanh kể.
Khoảng thời gian đó, Oanh rất hụt hẫng và chán nản. Song, rất may mắn bên cạnh Oanh có rất nhiều người yêu thương và quan tâm, từ gia đình (nguồn động lực lớn nhất) đến các thầy cô huấn luyện, bạn bè và đồng đội.
“Chính những tình cảm đó cùng với tình yêu dành cho điền kinh đã giúp Oanh vượt qua bệnh tật và quay trở lại tập luyện và thi đấu. Oanh luôn tự động viên bản thân rằng phải vượt qua được thời gian khó khăn này, không được bỏ cuộc mặc cho trong đầu lúc đó đã rất nhiều lần muốn dừng lại”, Oanh kể.
Giai đoạn khác khó khăn không kém là trước thềm SEA Games 30, Oanh gặp phải chứng bệnh mất ngủ kéo dài và gần như lại rơi vào khủng hoảng tinh thần.
“Thời gian đầu mất ngủ ít thôi nhưng dần dần có những thời gian Oanh thức trắng, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và chuyên môn.
Chứng mất ngủ kéo dài từ tháng 4/2019 đến giữa tháng 12/2019, một thời gian thật dài và nhiều lần khiến em phải khóc nức nở giữa đêm, có thể nói như phát điên lên”.
Oanh đã phải vực lại tinh thần của mình rất nhiều lần, cần đến rất nhiều những lời động viên, chia sẻ, cổ vũ để vượt qua những áp lực.
Vượt qua thời gian đó đã rất khó khăn nhưng để quay trở lại và tiếp tục thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn hơn. Nhưng vì màu cờ sắc áo của dân tộc, vì đam mê cháy bỏng và khát khao được đứng trên bục vinh quang, Oanh đã cố gắng vượt qua tất cả.
Tại Sea Games 30, Nguyễn Thị Oanh giành 3 Huy chương Vàng cự ly 10.000m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật, đồng thời phá kỷ lục SEA Games ở cự ly 3.000 vượt chướng ngại vật. Đó cũng là một trong những kỷ niệm ấn tượng nhất trong sự nghiệp thi đấu của Oanh.
Oanh tâm sự, thể thao nói chung và đặc biệt là điền kinh nói riêng vô cùng khắc nghiệt. Lý do là các vận động viên phải tập luyện ngoài trời bất kể ngày nắng nóng hay lúc giá lạnh, ngoài ra có những lúc phải ngâm mưa để tập luyện.
“Đặc biệt là các vận động viên nữ, rất tự ti về bề ngoài của mình vì môi trường tập luyện không thể nào chăm sóc cho bản thân. Có những buổi tập, các vận động viên phải chạy hàng giờ ngoài trời nắng nóng. Chưa kể thường xuyên phải xa gia đình, ít có thời gian để gặp gỡ bạn bè bởi hầu hết đều dành thời gian cho tập luyện và thi đấu”.
Hầu như thời gian của Oanh đều dành cho tập luyện và thi đấu. Chỉ có những ngày nghỉ, Oanh mới dành thời gian cho bản thân. Thời gian ít nên Oanh thường xem các chương trình giải trí để thư giãn và xem thêm các bài hồi phục cho bản thân.
Oanh cho biết, sau SEA Games, em vẫn tập luyện và cống hiến cho thể thao nước nhà. Trong tương lai xa hơn, cô gái nhỏ nhắn này muốn gắn bó với thể thao với cương vị huấn luyện viên để có cơ hội tiếp tục đóng góp cho thể thao. Vì vậy theo đuổi học vấn luôn là lựa chọn song song của nữ sinh này bên cạnh sự nghiệp thể thao.
Tính tới thời điểm này ở SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh đã có 3 Huy chương Vàng nội dung 5.000m, 1.500m và 3.000m chướng ngại vật nữ. Oanh còn một nội dung chạy 10.000m nữ chưa thi đấu.
Trong hơn một năm vừa qua, HLV Park Hang-seo và các học trò của ông đã làm cho nền bóng đá Việt Nam như bừng tỉnh với liên tiếp những thành tích đầy bất ngờ tầm cỡ châu lục. Với giáo dục STEM, chúng ta có thể làm được vậy?
Đại diện nhiều địa phương thẳng thắn: Giáo viên thiếu, chương trình chán, khuôn viên thiếu, ngân sách vắng...thì lấy đâu ra chất lượng giáo dục thể chất tốt.
Trở thành giáo viên Thể dục là niềm mơ ước của tôi khi mới là học sinh phổ thông. Tôi vẫn sống trong niềm tự hào đó, cho đến nay, khi đã bước vào nghề 13 năm.