Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, mỗi người dân Việt Nam hàng năm thải ra môi trường khoảng 1,3 kg chất thải điện tử, tương đương 116.000 tấn trên cả nước.
Thói quen của nhiều người Việt là hay đem bán đồng nát hoặc vứt chung rác thải điện tử với rác thường. Trong khi đó, nhiều loại rác thải điện tử có chứa thành phần gồm bari, đồng, niken; berili (trong các bo mạch chủ), cadmium (trong điện trở và chất bán dẫn), crom (trong đĩa mềm), chì (trong pin, màn hình máy tính),... những kim loại nặng có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. (Ảnh: Nguyễn Công Thành)
Tại Việt Nam, hiện có chương trình thu hồi và xử lý, tái chế rác thải điện tử miễn phí do các nhà sản xuất thiết bị điện tử khởi xướng nhằm tuân thủ quy định về việc thu hồi và xử lý những thiết bị điện tử đã qua sử dụng. Ghi nhận của PV VietNamNet tại một điểm thu hồi rác thải điện tử của chương trình Việt Nam tái chế ở Hà Nội cho thấy, sau 7 năm triển khai, chương trình vẫn duy trì hoạt động một cách thường xuyên. Tuy vậy, các thùng gom rác thải điện tử chỉ hoạt động trong giờ hành chính.
Trong hình là một thùng gom rác thải điện tử của chương trình Việt Nam tái chế tại UBND phường Tràng Tiền (Hà Nội). Mỗi thùng gom rác thải điện tử có kích cỡ khá lớn, được phân làm 2 ngăn với một ngăn dành cho pin và một ngăn cho những loại rác thải điện tử khác có kích cỡ lớn hơn. Tại Hà Nội hiện có 5 thùng gom rác thải điện tử đặt tại Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), UBND phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm), UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình), UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) và Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (quận Cầu Giấy).
Tại TP.HCM, cũng có 5 điểm thu gom rác thải điện tử đặt tại UBND phường 9 (quận 3), UBND phường 15 (quận 4), UBND phường 17 (quận Phú Nhuận), UBND phường 2 (quận Bình Thạnh) và Siêu thị Metro An Phú - MM Mega Market (quận 2).
Các loại rác thải điện tử được thu gom tại đây bao gồm điện thoại di động, laptop, máy tính, màn hình máy tính LCD, CRT, máy in, các phụ kiện công nghệ, pin... Bên cạnh việc thu gom tập trung, người dân trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM cũng có thể liên hệ tới Việt Nam tái chế để được thu gom rác thải điện tử tại nhà.
Theo Việt Nam tái chế, các thiết bị sau khi thu gom sẽ được vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải nguy hại bằng xe tải chuyên dụng, sau đó được phân loại cẩn thận theo từng danh mục sản phẩm và bóc tách hoàn toàn theo từng dòng vật liệu. Việc tham gia ủng hộ các chương trình thu gom, phân loại rác thải điện tử như vậy là một trong những cách tích cực nhất mà mỗi người có thể làm để bảo vệ môi trường.