Các giáo sư làm việc tại bệnh viện trên khắp Hàn Quốc đã giảm giờ làm việc bắt đầu từ ngày 1/4. Động thái này diễn ra khi các bác sĩ phản đối sáng kiến của chính phủ tăng thêm số lượng sinh viên y.
Hiện một số bệnh viện hạn chế hẹn khám ngoại trú do thiếu nhân viên thực hiện các thủ tục. Việc cắt giảm giờ làm việc của các giáo sư dự kiến sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Hàn Quốc.
Ủy ban ứng phó khẩn cấp đại diện cho khoa y của hơn 20 trường trên toàn quốc thông báo: “Bắt đầu từ ngày 1/4, sau ca làm việc 24 giờ, các bác sĩ sẽ nghỉ cả ngày hôm sau. Chúng tôi đã bỏ phiếu để điều chỉnh số lượng điều trị ngoại trú và phẫu thuật tại các bệnh viện đào tạo nhằm duy trì việc chăm sóc cho bệnh nhân nặng, cần chăm sóc đặc biệt”.
Trước đó, Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc, đại diện cho hội đồng giảng viên của 40 trường y trên toàn quốc, gửi thư tới tất cả bệnh viện đào tạo vào ngày 26/3, yêu cầu giảm thời gian làm việc hằng tuần xuống còn 52 giờ. Theo một khảo sát, thời gian làm việc của các giáo sư y khoa Hàn Quốc thường từ 60 tới 100 giờ/tuần.
Trong một tháng qua, các giáo sư y khoa đã làm việc theo ca 36 giờ liên tục, bao gồm cả ca trực đêm, để lấp đầy khoảng trống do hàng loạt bác sĩ nội trú và thực tập sinh đình công.
Với quyết định giảm giờ làm của các bác sĩ cấp cao, tình hình ở các bệnh viện còn trở nên nghiêm trọng hơn. "Hơn một nửa số ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư đang bị đẩy lùi. Tình trạng của họ sẽ ngày càng tồi tệ hơn theo thời gian", trưởng khoa y của một bệnh viện ở Seoul nói với Hankyoreh.
Trung tâm Y tế Samsung đã hạn chế các cuộc hẹn khám ngoại trú ở một số khoa từ đầu tháng 4 đến tháng 5. Bệnh viện không nhận cuộc hẹn khám chữa lần đầu. Một nguồn tin của trung tâm cho biết: “Số ca phẫu thuật đã giảm từ 200 đến 220 ca phẫu thuật mỗi ngày xuống còn 100 ca, với khoảng 50% tổng số ca phẫu thuật bị hoãn lại”.
Ở khu vực y tế tư nhân, các bác sĩ cũng thông báo sẽ bắt đầu cuộc biểu tình “tuân thủ luật pháp” bằng cách giảm số giờ làm việc xuống giới hạn quy định là 40 giờ mỗi tuần.
Tuy nhiên, tác động của các bác sĩ tư không quá lớn do họ thường xử lý các ca bệnh có tình trạng nhẹ. Ngoài ra, số lượng nhân viên y tế tham gia đình công cũng không nhiều. Năm 2010, khi các bác sĩ Hàn Quốc từ chức để phản đối chính sách tương tự, chỉ có 10% lực lượng y tế tư nhân tham gia.
Jeong Hyoung-sun, giáo sư quản lý y tế tại Đại học Yonsei, nhận xét: “Không dễ để các bác sĩ tư tham gia vào các hoạt động tập thể vì họ sẽ mất thu nhập nếu giảm số lượng bệnh nhân khám hoặc điều trị”.
Giữa căng thẳng của Chính phủ Hàn Quốc và lực lượng bác sĩ, các bệnh nhân là những người chịu thiệt hại nhiều nhất.
Kim Sung-ju, người đứng đầu Hội đồng Quyền của Bệnh nhân Ung thư Hàn Quốc, cho biết: “Bệnh nhân ung thư đến phòng cấp cứu của bệnh viện cấp 3 để rồi bị chuyển đến bệnh viện cấp 2 vốn đã chật cứng. Các bác sĩ và chính phủ đang tiếp tục đối đầu mà không đưa ra được ngay cả những điều cơ bản nhất cho các bệnh nhân bị bỏ rơi”.
Theo Yonhap, ngày 1/4, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết sẵn sàng đàm phán và kêu gọi các bác sĩ đưa ra đề xuất về việc tăng số lượng tuyển sinh vào trường y một cách thích hợp mặc dù ông tin rằng mức thêm 2.000 sinh viên y mỗi năm là mức tối thiểu.