Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tuần qua, TP ghi nhận 2 ca tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP đã có 25 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
"Trong 10 năm liên tục, chưa có năm nào ghi nhận 25 ca tử vong như thế này trong khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu đi xuống", ông Thượng nói. Theo Sở Y tế TP.HCM, dịch bệnh trên địa bàn vào quý 4/2022 còn nhiều khó khăn, cần tiếp tục kiểm soát và không thể chủ quan.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc sốt xuất huyết cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/9 là 56.000 ca, tăng 66,5% so với cùng kỳ.
Dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay tại các tỉnh phía Nam rất căng thẳng. Ngành y tế TP.HCM thường xuyên tổ chức họp, phân tích các trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết trên địa bàn. Từ đó, rút kinh nghiệm trong điều trị, giảm số ca nặng và ca tử vong.
Tại Hà Nội, các bệnh viện bắt đầu ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết phải điều trị nội trú tăng cao.
Hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết phục hồi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, khi bệnh diễn tiến nặng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong do các biến chứng suy đa tạng, sốc, rối loạn đông máu, tổn thương gan...
Các bác sĩ cảnh báo, người dân thường cho rằng khi sốt xuất huyết, hết sốt là khỏi bệnh (khoảng ngày thứ 3 trở đi). Thực tế, sau giai đoạn sốt cao chính là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh do tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Các triệu chứng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam… xuất hiện. Tùy vào mức độ cũng như biến chứng, có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong.
Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh hay thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng.