Theo đó, Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh nâng cao nhận thức trách nhiệm trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho học sinh đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng quy định.
Trong đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết không cấm việc tổ chức hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát nhưng hạn chế trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Các hoạt động trải nghiệm phải có kế hoạch cụ thể, đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia.
Đây cũng là một trong những yêu cầu khi thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 của UBND TP và thực hiện công điện ngày 19/5 của Bộ GD-ĐT về việc đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh ứng phó với nắng nóng cũng như Kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho học sinh, học viên và trẻ em năm 2023 của Hà Nội.
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng ban hành công điện về việc đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh và ứng phó với nắng nóng tại các cơ sở giáo dục.
Trong đó, công điện có nêu để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập và tổ chức các hoạt động giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, sắp xếp bố trí thời khóa biểu hợp lý; ưu tiên khung thời gian đầu giờ sáng để tổ chức dạy các môn học và các hoạt động giáo dục ngoài trời; không bố trí tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa trong thời điểm nắng nóng gay gắt.
Bộ yêu cầu tổ chức rà soát, sửa chữa, bổ sung, thay thế các thiết bị điện đã hỏng tại các phòng học như quạt điện, điều hòa, quạt thông gió; tăng cường che chắn hướng nắng của các phòng học vào buổi trưa hoặc buổi chiều; mở cửa sổ để thông thoáng nếu nhiệt độ bên ngoài gần bằng hoặc thấp hơn trong lớp học; tăng cường nước uống đảm bảo an toàn vệ sinh tại các lớp học...