Sở LĐ-TB&XH Bình Định đang từng bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên môi trường số giúp người dân dễ dàng trong xử lý các thủ tục hành chính.
Trao đổi với VietNamNet, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Định Đỗ Thị Diệu Hạnh thông tin, đến hiện tại, Sở đã có 59 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và Danh mục 34 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần, và 39 thủ tục hành chính còn lại (chủ yếu là lĩnh vực Người có công và bảo trợ xã hội).
Hầu hết các thủ tục hành chính cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Sở đều thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình (dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích). Tuy nhiên, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến của Sở còn thấp phần lớn thuộc 2 lĩnh vực đó là giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp và hồ sơ người có công.
Về kết quả tiếp nhận tiếp nhận giải quyết hồ sơ “hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng dịch vụ công quốc gia tính đến 15/11, sở tiếp nhận 257 hồ sơ; trong đó, đủ điều kiện hưởng 137 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ đạt: 53,3%), không đủ điều kiện hưởng 51 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ không đạt: 19,8%), đang xét duyệt hồ sơ 69 hồ sơ.
Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các địa phương cập nhật thông tin dữ liệu trẻ em vào hệ thống do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) quản lý tại địa chỉ: http://nhaplieu.treem.gov.vn. Kết quả đến nay, trên hệ thống đã làm sạch cơ sở dữ liệu cho 205.849/300.029 trẻ em (đạt tỷ lệ 68.6%).
Hiện tại các địa phương đã cập nhật trên hệ thống phần mềm: 99.696 đối tượng bảo trợ xã hội (thực hiện theo dõi, quản lý, in danh sách chi trả hàng tháng cho đối tượng từ hệ thống). Thực hiện giải quyết 1.124 hồ sơ mai táng phí liên thông trên phần mềm dịch vụ công liên thông.
Bà Hạnh giải thích, đối với hồ sơ lĩnh vực người có công, hầu hết hồ sơ đều liên thông từ cấp xã lên cấp huyện, cấp tỉnh (cán bộ cấp huyện nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện). Bên cạnh đó, theo Nghị định của Chính phủ quy định: “Hồ sơ người có công do các cơ quan, đơn vị chuyển đến ngành LĐ-TB&XH để thực hiện chế độ ưu đãi và hồ sơ do Sở LĐ-TB&XH nơi người có công thường trú quản lý và thực hiện chế độ là 1 bộ hồ sơ gốc theo quy định. Hồ sơ gốc là hồ sơ bao gồm các giấy tờ theo quy định do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền lập hoặc xác nhận lần đầu khi làm thủ tục công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi người có công” dẫn đến tỉ lệ hồ sơ trực tuyến chiếm tỉ lệ thấp.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Định chia sẻ, từ đó, sẽ có những khó khăn, vướng mắc như, tỉ lệ nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính còn thấp phần do phát sinh chi phí cao (26.500 – 30.500 đồng/hồ sơ) nên phần lớn người dân, các địa phương chọn hình thức gửi trực tiếp hoặc gửi dưới dạng bưu kiện nhiều hồ sơ cùng lúc để tiết kiệm chi phí cho người dân, cơ quan, đơn vị.
Từ đó, bà Hạnh cho biết, cần tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất trang thiết bị cho cấp cơ sở đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng; nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý.
Đối với Thủ tục hành chính “Giải quyết trợ cấp thất nghiệp”, hiện tại đang giải quyết trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn kết nối, chuyển giao thực hiện trên Cổng dịch vụ công tỉnh để thuận lợi trong công tác theo dõi, quản lý.
Toàn tỉnh Bình Định có 1.820 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1- 4, trong đó có 912 dịch vụ công của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện trực tuyến toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bình Định. Hệ thống thông tin được cập nhật tại địa chỉ: https://dichvucong.binhdinh.gov.vn. Cụ thể, trong số 912 dịch vụ công, có 716 dịch vụ công cấp tỉnh, 134 dịch vụ công cấp huyện và 62 dịch vụ công cấp xã. |