Nhìn vào đồ thị lượng thí sinh sử dụng kết quả IELTS để xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, vô cùng bất ngờ bởi “số thí sinh qua các năm đã tăng dựng đứng”.
Ông Triệu cho biết trong năm 2017 – tức năm đầu tiên nhà trường áp dụng tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS, chỉ có khoảng 50 – 70 em sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển vào trường.
Đến năm thứ hai, số lượng tăng lên 6 lần, khoảng 300 – 400 em. Năm thứ ba, con số này khoảng 2.000 em… Đến năm nay, con số đã tăng kỷ lục, lên tới 11.000 hồ sơ có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
“Trong số này, hơn 70% thí sinh đạt từ 6.5 trở lên. Mức điểm phổ biến thí sinh đạt được là 7.0. Đây là tín hiệu vui bởi điều đó cho thấy, trình độ tiếng Anh của học sinh hiện nay đang tăng vượt bậc. Trước đây, những hồ sơ có IELTS đạt 6.5 đã là ngưỡng điểm rất cao”, ông Triệu nói.
Qua thống kê từ lứa đầu tiên tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS, ông Triệu cho biết những sinh viên này có điểm trung bình học tập cuối khoa cao hơn hẳn so với những em không có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
“Điều đó minh chứng rằng, tuyển sinh bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là phương thức xét tuyển phù hợp hiện nay”.
Trong năm 2024, ông Triệu cho biết, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu đối với phương thức tuyển sinh bằng chứng chỉ quốc tế và xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực.
Lý giải cho sự thay đổi này, theo ông Triệu, những năm qua điểm thi tốt nghiệp THPT quá cao, dẫn tới sự phân hóa thí sinh không đảm bảo. Những phương thức trên nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh, đồng thời tuyển chọn được những thí sinh chất lượng cao, phù hợp với nhà trường.
“Tuy nhiên, những sự thay đổi về phương thức tuyển sinh cần có lộ trình, tránh gây sốc cho thí sinh. Nhà trường vẫn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng chỉ tiêu có thể sẽ giảm xuống dưới 25%”, ông Triệu nói.
Điểm chuẩn vào trường có thể đạt trên 28
Dự đoán về mức điểm chuẩn xét tuyển vào trường theo kết quả thi tốt nghiệp THPT trong năm nay, ông Triệu dự đoán, điểm chuẩn các ngành sẽ dao động trong một biên độ rất nhỏ, khoảng 0,25 – 0,5 điểm so với năm ngoái.
Với các ngành hot như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng… vốn có điểm chuẩn năm ngoái trên 28, ông Triệu cho rằng trong năm nay “khó tăng cao hơn”. Tuy nhiên, thí sinh phải đạt trên 28 điểm mới có cơ hội trúng tuyển.
“Mách nước” cho thí sinh để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học, PGS.TS Bùi Đức Triệu gợi ý thí sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm: nhóm cao hơn khả năng, nhóm ngang bằng khả năng và nhóm thấp hơn khả năng để tăng tỷ lệ trúng tuyển.
Mỗi nhóm, thí sinh nên đăng ký nhiều nguyện vọng, được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Với cách đăng ký như vậy, khả năng trúng tuyển vào trường của thí sinh gần như tuyệt đối.