Gần đây, thị trường Việt Nam đã xuất hiện thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN) với nhiều đặc điểm kỹ thuật tương đồng. Do nhu cầu của người sử dụng tăng cao, thuốc lá thế hệ mới được nhập lậu vào thị trường tràn lan đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và bất cập cho cơ quan quản lý. Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần đưa hai sản phẩm này vào quản lý dưới cùng một khung pháp lý đồng bộ và cùng thời điểm.
Xét về cơ chế hoạt động, cấu trúc của thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN) đều có sự tương đồng. Cả hai loại sản phẩm này đều không sử dụng phương pháp đốt cháy như thuốc lá truyền thống mà sử dụng thiết bị điện tử để chuyển hóa thành khí hơi (aerosol) có chứa nicotine.
Đặc tính kỹ thuật khác biệt này giúp người dùng có thể tiếp cận nicotine mà không phải hít khói thuốc lá độc hại, có tiềm năng rất lớn trong việc giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng và cả cộng đồng.
Ngoài ra, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã phân loại chúng vào các phân nhóm khác nhau. Thuốc lá truyền thống thuộc nhóm 2402, các dòng sản phẩm thuốc lá mới (bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng) mang mã HS 2404 để phản ánh đặc điểm khác biệt.
Ngày 8/6/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa Xuất nhập khẩu 2022, qua đó cũng đã tạo ra phân nhóm mới là 2404 cho thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Điều này tạo ra sự nhất quán cũng như cơ sở ban đầu trong việc quản lý, kiểm soát và phân loại đối với các sản phẩm liên quan đến thuốc lá.
Vừa qua, tại buổi tọa đàm “Khung pháp lý quản lý thuốc lá thế hệ mới” do Liên đoàn Công nghiệp và Thương Mại Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh theo Luật Đầu Tư năm 2020.
Tuy nhiên, nghịch lý là hiện chưa hề có bất kỳ quy định pháp lý cụ thể nào để quản lý và kiểm soát sự lưu hành các sản phẩm này. Việc thiếu khung pháp lý có thể tạo nên những lúng túng cho các cơ quan chức năng và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trước thực trạng hàng lậu tràn lan. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đưa cả hai sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vào cùng khung chính sách để quản lý một cách đồng bộ, đồng thời.
Tại buổi tọa đàm, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng Cục quản lý Thị trường, Bộ Công thương, dẫn chứng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan Quản lý thị trường trên toàn quốc đã xử lý rất nhiều trường hợp thuốc lá điện tử nhập lậu. Theo đó, toàn lực lượng đã kiểm tra 728 vụ, xử lý 589 vụ vi phạm. Trong đó, xử lý trên 27.467 bao thuốc lá và tương đương, xử lý trên 4.392 sản phẩm các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 3,1 tỷ đồng; chuyển hồ sơ một vụ cho cơ quan công an xử lý
Ông Dương bày tỏ: “Thực tế cho thấy việc cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới là không khả thi trong bối cảnh thị trường hiện nay. Việc cấm thuốc lá thế hệ mới sẽ không giải quyết được tận gốc mọi vấn đề vì khi có nhu cầu mà không thể tìm được nguồn cung hợp pháp, người tiêu dùng sẽ có khả năng tìm đến các sản phẩm bất hợp pháp với rất nhiều rủi ro”.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, cũng cho rằng xét dưới góc độ pháp lý của Việt Nam hiện hành, TLLN và TLĐT (loại sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá) đều phù hợp với định nghĩa sản phẩm thuốc lá quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Vì vậy, cần thiết có thể kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật, có chế tài xử lý, đặc biệt quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh. Khi đó sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm vì chỉ sản phẩm đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng mới được phép lưu hành.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành vào tháng 7/2023, 87 quốc gia ban hành quy định cho phép lưu thông thuốc lá điện tử. Rất nhiều trong số các quốc gia nêu trên chọn cách quản lý một cách đồng bộ, đồng thời cả hai sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
“Chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cần quản lý TLĐT và TLLN để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tăng nguồn thu cho Nhà nước, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý hạn chế tình trạng buôn lậu và xây dựng một thị trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch giữa các doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.
Thủy Tiên