Ngày 6/11, OpenAI thông báo cho phép cá nhân hoá ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và sẽ mở cửa hàng ứng dụng để người dùng kiếm tiền từ ChatGPT dựa trên số lượng sử dụng. Với cập nhật này, OpenAI cung cấp các công cụ cho phép người dùng tạo trợ lý ảo cho riêng mình và có thể đem lên bán ở chợ ứng dụng để kiếm tiền.

trolyao.png
Nhiều startup đang cung cấp trợ lý ảo tại Việt Nam.

Theo ông Đặng Hữu Sơn, đồng sáng lập Lovinbot, với cập nhật mới của OpenAI cho ChatGPT, các startup đang cung cấp dịch vụ trợ lý ảo tại Việt Nam vừa bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp.

Cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp là các startup cung cấp nội dung sử dụng API của OpenAI nhưng không có khác biệt so với ChatGPT, người dùng sẽ chuyển qua mua gói Plus, khi nền tảng này đã hỗ trợ thanh toán tại Việt Nam.

Theo ông, ngay cả Lovinbot cũng có ảnh hưởng, nhưng không quá nhiều do công ty từ lâu có tính năng về nội dung SEO đặc thù mà ChatGPT hay các startup khác khó sao chép, khách hàng vẫn trả phí để sử dụng.

Về ảnh hưởng gián tiếp, ông Đặng Hữu Sơn cho rằng, hiện OpenAI đã mở cho nhà phát triển gần như những công cụ tốt nhất và mạnh nhất để làm sản phẩm trợ lý ảo thông minh hơn, nên các startup cung cấp trợ lý ảo rất áp lực, phải tìm kiếm các ngách mà ChatGPT không vươn tới được. Chẳng hạn như AI Agent của công ty ông chủ yếu tập trung vào phân khúc doanh nghiệp (B2B), chính vì thế vẫn có nhiều cơ hội.

Đại diện Lovinbot chia sẻ thêm, việc cập nhật này tạo ra thuận lợi về ngắn hạn cho các startup khi làm sản phẩm nhanh hơn, do OpenAI đã tích hợp sẵn công cụ, nhưng điều này cũng tạo ra thách thức là các startup sẽ bị phụ thuộc vào nó.

Đây đang là bài toán các startup AI phải chấp nhận, ngắn hạn thì dùng nền tảng này cho đến khi có thị trường và khách hàng, sau đó mở rộng qua các nhà cung cấp khác như Google AI, Vin AI, Anthropic (Claude), để hạn chế sự phụ thuộc.

Ông Đặng Hải Lộc, sáng lập của nền tảng Mindmaid, một startup cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp Việt dễ dàng tạo ra các trợ lý ảo tư vấn bán hàng, chăm sóc khách hàng, hỏi đáp thủ tục nội bộ, trợ lý ảo cá nhân... cũng cho biết, các startup làm AI ở Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều sau đợt cập nhật mới này, vì gần như ChatGPT đã làm hết mọi thứ, tốt hơn cả các startup đang làm. Điều này Mindmaid cũng đã lường trước nên từ khi làm sản phẩm đã tập trung vào xu hướng chứ không phải giải pháp công nghệ cụ thể.

Đồng thời, theo ông Đặng Hải Lộc, những cập nhật mới cũng đem lại tích cực khi thị trường đi lên và tạo ra các thuận lợi như chi phí API ChatGPT sẽ giảm, độ chính xác tăng lên, speech to text độ trễ thấp… Chưa kể sắp tới, OpenAI mở Store chatbot, tạo thêm kênh kiếm tiền trong bối cảnh kinh tế đi xuống, đây cũng là động lực mới để mọi người quan tâm tới AI.

Bà Hoàng Hường, CEO Công ty cổ phần Unikon, đơn vị sở hữu nền tảng Aicontent platform, cho rằng các cập nhật mới này sẽ khiến cho các startup đang làm trợ lý ảo trở nên tốt hơn, thị trường cũng tốt lên, vì nền tảng này đang mở các phiên bản và cho mọi người đăng ký dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, OpenAI cũng đang mở API cho các startup khai thác để cung cấp các dịch vụ trợ lý ảo cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Hường, với các cập nhật này, các startup chỉ làm sản phẩm phụ thuộc vào ChatGPT trong thời gian tới sẽ gặp khó và họ cần phải mở rộng qua các nền tảng khác chứ không thể phụ thuộc vào một bên như hiện nay.

Sự xuất hiện của ChatGPT đã làm cho công nghệ AI tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đồng thời, nhiều startup liên quan đến công nghệ này cũng được ra đời để đón đầu xu hướng. Tạo ra các trợ lý ảo sáng tạo nội dung và trợ lý ảo đa chức năng là cách mà các startup về AI tại Việt Nam đang chọn.

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV