Trong báo cáo chuyển đổi số quốc gia tháng 1/2024, Bộ TT&TT cũng cho biết, trong tổng số 3.193 hệ thống thông tin của cả nước, có 2.110 hệ thống đã được phê duyệt cấp độ bảo đảm an toàn thông tin, đạt tỷ lệ 66%, tăng 1% so với tháng 12/2023 và tăng 10% so với cùng kỳ tháng 1/2023.
Việc số lượng cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong tháng 1/2024 giảm mạnh so với tháng cuối năm ngoái và tháng 1/2023, theo các chuyên gia, là một tín hiệu đáng mừng.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, chuyên gia Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng thông minh (SCS) phân tích, sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam trong tháng 1/2024 có chiều hướng giảm so với tháng liền kề trước đó hoặc cùng kỳ năm trước phần nào cho thấy kết quả, sự chuyển biến bước đầu của các cơ quan, đơn vị trong việc áp dụng các biện pháp tăng cường an toàn, an ninh bảo mật giai đoạn vừa qua, khi các đơn vị đầu tư nhiều hơn cho hệ thống giám sát, phát hiện và cảnh báo sự cố.
“Khi phòng thủ tốt hơn, giám sát cảnh báo phát hiện sớm tốt hơn, việc các hệ thống bị tấn công xâm nhập sẽ giảm. Đây là tín hiệu đáng ghi nhận!”, ông Ngô Tuấn Anh bình luận.
Tuy nhiên, các chuyên gia an toàn thông tin cũng lưu ý các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn cần đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn các hệ thống thông tin, bởi lẽ giai đoạn cận Tết và trong đợt nghỉ Tết nguyên đán, các nhóm tấn công mạng thường gia tăng hoạt động.
“Nhân sự quản trị của các đơn vị cần tăng cường các biện pháp giám sát an ninh mạng cho hệ thống, đặt biệt lên phương án sẵn sàng trong những ngày nghỉ Tết vì theo kinh nghiệm hàng năm, những ngày nghỉ thường xảy ra nhiều vụ tấn công mạng nhất”, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ an ninh mạng, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nêu quan điểm.
Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cũng khuyến nghị, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần rà soát, săn tìm, kiểm tra, xác định các dấu hiệu bị tấn công trên các thiết bị máy chủ nhạy cảm, tiến hành gỡ bỏ mã độc (nếu có).
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nên đánh giá toàn diện, kiểm thử tấn công xâm nhập hệ thống máy chủ/ứng dụng nhằm phát hiện các lỗ hổng bảo mật tồn tại trên hệ thống/ứng dụng; đồng thời đánh giá mức độ rủi ro, mức độ ảnh hưởng của các lỗ hổng và tiến hành nâng cấp hệ thống, khắc phục các lỗ hổng, giảm thiểu rủi ro bị khai thác.
Đồng quan điểm, chuyên gia Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh, để bảo vệ tốt hệ thống của đơn vị mình, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thời gian này cần tăng cường hơn nữa việc rà quét phát hiện các điểm yếu, lỗ hổng cũng như tăng cường giám sát, rà soát để phát hiện sớm các mối nguy cơ, dấu hiệu bất thường với hệ thống; từ đó có các biện pháp phòng tránh và ứng phó kịp thời.
Với người dùng cá nhân, chuyên gia Ngô Tuấn Anh cho hay, trong giai đoạn sát Tết nguyên đán, có một đặc điểm là người dân tăng cường mua bán hàng hóa, dịch vụ hơn. Thời điểm này mọi người thường tăng chi tiêu và bận bịu hơn, do đó tính cảnh giác sẽ giảm bớt đi so với bình thường. Lợi dụng tâm lý mọi người muốn nhanh chóng hoàn thành các giao dịch, mua bán trước khi nghỉ Tết, các đối tượng xấu cũng sẽ tăng cường các hành vi lừa đảo trực tuyến trong dịp này.
Vì thế, lời khuyên của chuyên gia SCS là người tiêu dùng cần phải thận trọng hơn với các giao dịch trong khoảng thời gian sát đợt nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ví dụ, khi mua sắm hàng hoá và dịch vụ, cần lựa chọn những nguồn tin cậy, hạn chế việc chuyển tiền trước nhận hàng sau và tốt nhất nên mua ở các cửa hàng uy tín hơn và tốt nhất chọn sử dụng dịch vụ giao hàng – thu tiền COD.
Song song đó, các hộ gia đình, bên cạnh việc người lớn hướng dẫn, nhắc nhở cho con em và các thành viên khác cách để an toàn khi tham gia môi trường mạng, còn cần trang bị những giải pháp công nghệ nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn các mối nguy bị tấn công mạng gây mất mát tài sản và dữ liệu riêng tư.