Rabindranath Tagore là một nhà thơ, triết gia và nhà thông thái để lại dấu ấn sâu đậm trong văn học và văn hóa Ấn Độ cũng như châu Á.
Sự mất mát trong đời nhà thơ vĩ đại
Sinh năm 1861 tại Calcutta, thủ phủ của bang Tây Bengal (Ấn Độ), Tagore là con út thứ 13 trong một gia đình tri thức và thành danh. Cha ông là chủ một đồn điền, đồng thời là nhà triết học và nhà hoạt động xã hội có uy tín trong vùng.
Anh cả là một triết gia và nhà thơ; một người anh công tác trong cơ quan Dân sự Ấn Độ - vị trí vốn chỉ dành cho người châu Âu trước đây; một anh khác là một nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và nhà viết kịch; một chị gái là tiểu thuyết gia, theo thông tin trong cuốn "Rabindranath Tagore: Tuyển tập" (NXB St. Martin's).
Tagore chủ yếu được nuôi dưỡng bởi những người hầu vì mẹ ông mất sớm và cha phải đi công tác nhiều nơi. Ngay từ nhỏ, Tagore đã được cha và các gia sư dạy học tại nhà và ông đã bộc lộ rõ tư chất của một thần đồng, giống như ý nghĩa tên của ông "thiên thần ánh sáng mặt trời".
Lên 8 tuổi, Tagore đã bắt đầu làm thơ; 11 tuổi đã dịch được vở kịch Macbeth của Shakespeare; 13 tuổi sáng tác nhạc, họa, và đọc được sách cổ bằng tiếng Phạn.
Năm 1878, khi Tagore vừa tròn 17 tuổi, ông sang Anh du học. Gia đình muốn ông trở thành một luật gia. Tuy nhiên, Tagore đã rời trường luật để theo đuổi sự nghiệp văn học và nghệ thuật, dành nhiều thời gian tìm hiểu, làm quen với văn chương và âm nhạc phương Tây.
Năm 1881, ông về nước, bắt đầu sự nghiệp. Các tác phẩm ban đầu của Tagore, chủ yếu là thơ và kịch, được lấy cảm hứng từ chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa thần bí của văn học Ấn Độ và giáo lý Upanishad của Ấn Độ giáo.
Bước sang tuổi 24, Tagore lập gia đình cùng Mrinalini Devi, mới 9 tuổi. "Trong cuộc đời 28 năm của mình, Mrinalini Devi đã trải qua 19 năm làm vợ của Tagore và không có danh vị nào khác. Nhà thơ viết thư cho vợ ít hơn cho những người quen ngoài xã hội của ông. Nhưng bà không bao giờ phàn nàn", nhà văn Bandyopadhyay nhận định, theo Indian Times.
Thời gian này, vì lý do sức khỏe, cha Tagore đã quyết định giao lại việc cai quản toàn bộ nhà cửa, gia sản cho ông. Trong suốt những năm sau đó, ông có điều kiện đi du lịch khắp đất nước Ấn Độ rộng lớn.
Tuy nhiên, trong 5 năm ngắn ngủi (1902-1907), Tagore liên tiếp gánh chịu những tổn thất to lớn: Vợ, con gái, cha, rồi con trai út của ông lần lượt qua đời. Ông vùi mình vào văn chương để tạm quên thực tại.
Tình cờ nhận giải Nobel
Tập thơ đầu tiên của ông, "Manasi", được xuất bản năm 1890, sau đó một số tập thơ khác, bao gồm "Sonar Tari" (1894) và "Gitanjali" (1910). Đặc biệt, "Gitanjali" (Thơ dâng) là một tập thơ mà Tagore đã dịch từ tiếng Bengali sang tiếng Anh.
Chính tác phẩm này đã tình cờ mang lại cho ông sự công nhận quốc tế và giải Nobel Văn học năm 1913.
Cuốn "Rabindranath Tagore: Cuộc đời và tác phẩm" của nhà sử học Uma Das Gupta (NXB Đại học Oxford) đã tiết lộ câu chuyện này. Năm 1912, Tagore đến thăm nước Anh trong một chuyến thuyết giảng. Trên đường tàu điện ngầm ở London, ông đã sơ ý đánh rơi hộp đựng bản thảo thơ và vội báo bạn bè tìm giúp.
Mấy ngày sau, cơ quan quản lý tài sản bị mất ở London mời ông đến nhận lại hộp bản thảo. Đấy chính là cơ duyên để nhà thơ, họa sĩ trẻ người Ireland William Butler Yeats biết tới nội dung tập thơ mới của ông. Yeats rất ấn tượng với thơ của Tagore và đề nghị giới thiệu ông với NXB Macmillan xuất bản các tác phẩm.
Theo gợi ý của Yeats, Tagore gửi bản thảo tập thơ mới nhất của ông, "Gitanjali" cho Macmillan, nhưng nhà xuất bản từ chối. Chỉ sau khi Yeats thay mặt Tagore can thiệp và thuyết phục Macmillan xem xét lại, tuyển tập cuối cùng mới được chấp nhận và đến tay đông đảo độc giả phương Tây.
Ấn tượng với nội dung, nhà văn Stuje Moore, một thành viên Hội Văn học Hoàng gia Anh, đã giới thiệu tập thơ với Viện Hàn lâm Thụy Điển, đề nghị trao tặng Tagore giải thưởng Nobel Văn học. Năm 1913, ở tuổi 52, Rabindranath Tagore trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel.
Chiến thắng của ông là một cột mốc quan trọng không chỉ với riêng Ấn Độ mà bước đầu khẳng định dấu ấn của văn học và văn hóa châu Á trên trường quốc tế.
Tagore đã từng tới Việt Nam vào năm 1929 khi ông dừng chân trong chuyến du hành quanh thế giới và đã có cuộc giao lưu với nhiều nhà văn hóa và trí thức Sài Gòn xưa. Sự đồng cảm của hai dân tộc thuộc địa đang nỗ lực tìm con đường giải phóng khỏi ách thực dân đã đem lại không khí nồng nhiệt cho cuộc chào đón Tagore thời điểm ấy. Tagore cũng là nguồn cảm hứng lớn lao cho nhà cách mạng Nguyễn An Ninh trong sự nghiệp văn chương và báo chí của ông. |
Tử Huy