Những câu chuyện nhiều người chưa biết về hành trình phát triển của Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) vừa được Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Hùng “dốc bầu tâm sự” trong cuộc gặp đầu năm 2024 với phóng viên Báo VietNamNet.
Khởi đầu từ đam mê công nghệ của chàng sinh viên xây dựng cầu đường
Khoảng 20 năm trước, mày mò tìm cách xây dựng website cho lớp đại học, chàng sinh viên ngành xây dựng cầu đường Nguyễn Thế Hùng tiếp cận với phần mềm nguồn mở NukeViet trên một số diễn đàn công nghệ.
“NukeViet đã mở ra cho tôi một chân trời mới” - ông Hùng nhớ như in những ngày tự mày mò khám phá mã nguồn mở NukeViet rồi Việt hóa phần mềm, không chỉ tích cực hỗ trợ cộng đồng trên các diễn đàn công nghệ, mà còn tích lũy kha khá tri thức để viết bài cộng tác với các tạp chí như eChip, Làm bạn với máy vi tính… (nhuận bút mỗi bài tương đương khoản thu nhập gia sư cả tháng của các sinh viên cùng thời).
Năm 2005, một nhà xuất bản đã hỗ trợ Nguyễn Thế Hùng xuất bản cuốn sách hướng dẫn sử dụng NukeViet phiên bản 1.1. Hợp đồng bán đứt tác phẩm cho nhà xuất bản mang lại cho chàng sinh viên trẻ 1,8 triệu đồng – khoản tiền vừa đủ cho Hùng tổ chức 1 bữa liên hoan tốt nghiệp cùng nhóm bạn.
Hàng nghìn cuốn sách đã bán hết veo chỉ trong vòng 1 tháng. Bởi thời điểm đó, làm website đang là nhu cầu “hot”, trong khi trên thị trường không có nhiều công cụ để tạo web.
NukeViet chuẩn bị phát hành phiên bản 2.0. Nhà xuất bản đề nghị viết tiếp cuốn sách hướng dẫn sử dụng phiên bản mới, song Hùng không nhận lời vì khi đó vừa tốt nghiệp, không có nhiều thời gian cho việc viết sách.
Sau khi ra trường, Hùng làm công việc văn phòng tại một công ty thi công xây dựng, đam mê công nghệ tạm gác lại.
Một năm sau, Hùng chuyển sang làm tư vấn giám sát và quản lý dự án xây dựng, lại tiếp tục có thời gian để thỏa mãn đam mê. Làm tư vấn giám sát và quản lý dự án tại công trường, Hùng cho lắp wifi phủ sóng khắp các công trường mà mình có mặt. Tranh thủ thời gian rảnh, Hùng lên mạng tìm tòi nghiên cứu, sửa lỗi, hỗ trợ cộng đồng NukeViet, thậm chí viết cả code, phát hành các giao diện website mới.
Hồi đấy, những người sáng lập mã nguồn mở NukeViet đã thành lập công ty, kinh doanh khá thành công. Tuy nhiên, do nội bộ bất đồng về minh bạch tài chính, công ty ngừng hoạt động. Nuke Viet lại bị “để trôi”, trả về cộng đồng người dùng và hỗ trợ miễn phí.
Nguyễn Thế Hùng cùng một nhóm anh em trong cộng đồng người sử dụng tự nhận trách nhiệm tiếp tục hỗ trợ cộng đồng và phát triển NukeViet, thường xuyên fix (sửa) lỗi, định kỳ phát hành phiên bản mới vài tháng một lần.
“Đến cuối năm 2009, tôi gặp anh Nguyễn Anh Tú, tác giả của Nuke Viet, mới từ Nga trở về nước. Anh Tú trăn trở: “Công nghệ nào cũng sẽ đến giai đoạn thoái trào. Nếu chỉ làm vì vui thôi thì sẽ chẳng đi đến đâu. Muốn phát triển bền vững, có đội code chuyên nghiệp, cần có nguồn kinh phí từ hoạt động kinh doanh”. Vì thế, mấy anh em bàn nhau chuyên nghiệp hóa hoạt động phát triển NukeViet. Sau khi “tuyển chọn” cổ đông sáng lập, tìm kiếm nhân sự…, đầu năm 2010, VINADES ra đời. Tôi nhận trách nhiệm đứng tên làm Giám đốc trong khi vẫn làm quản lý dự án, tư vấn giám sát các công trình xây dựng ở Hải Phòng”, ông Hùng kể lại “sự tích” hình thành VINADES.
Nhờ sự kết nối của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Anh Tú, ngay từ ngày đầu thành lập, VINADES đã có một số dự án lớn cho khách hàng nước ngoài như: Xây dựng Cổng thông tin cho Hội Người Việt ở Liên bang Nga; Cổng thông tin cho Hội Doanh nghiệp Liên bang Nga… cùng một số dự án thiết kế website cho khách hàng ở Séc, và một số dự án gia công phần mềm cho khách hàng tại Việt Nam.
Mày mò tìm mô hình kinh doanh nguồn mở
Đội ngũ thành lập VINADES đều là dân kỹ thuật, không có kinh nghiệm kinh doanh bán hàng, cho rằng “hữu xạ tự nhiên hương” nên chỉ chăm chăm làm sản phẩm theo hướng viết lại toàn bộ mã nguồn NukeViet – công việc phức tạp, tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực.
Bên cạnh sản phẩm lõi NukeViet, VINADES còn nghiên cứu, triển khai nhiều sản phẩm khác. Tuy nhiên, không ít sản phẩm nghiên cứu xong, phát triển dở chừng rồi để đấy. Có sản phẩm bán được cho duy nhất một khách hàng. Nhiều dự án trong trạng thái code dở, chưa hoàn thành.
“Đội ngũ VINADES đều là những người làm vì đam mê công nghệ, thích thì nhảy vào làm. Trong khi đam mê là thứ tiêu sản, còn kinh doanh phải tạo ra tài sản. Mình dùng thứ tiêu sản để đi kinh doanh là một sai lầm. Chưa đầy 1 năm sau, số tiền anh em cùng góp vốn bị tiêu gần hết. Dòng tiền cạn, vài lần tôi phải đi vay người nhà để trả lương cho anh em. Công ty đứng trước nguy cơ giải tán”, ông Hùng kể tiếp lý do dẫn tới quyết định nghỉ hẳn việc bên công ty xây dựng, chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội, tập trung phát triển hoạt động kinh doanh cho VINADES.
Tháng 10/2010, NukeViet phiên bản 3.0 phát hành online, đạt mốc 1.000 lượt tải trong ngày đầu tiên phát hành. Khối lượng lỗi do người dùng tìm ra rất nhiều, phải fix (sửa) lỗi suốt 1 năm sau mới hết.
“Năm 2011, Mã nguồn mở NukeViet nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt, được cộng đồng rất ủng hộ, nhưng vẫn không tìm ra dòng tiền để nuôi dưỡng NukeViet phát triển lớn mạnh. Lúc đấy quả thật chúng tôi vẫn chỉ làm vì đam mê chứ chưa hiểu mô hình kinh doanh nguồn mở là gì”, ông Hùng vừa cười vừa ôn lại kỷ niệm xưa.
Thực tế khi ấy, trên thế giới có hai mô hình kinh doanh nguồn mở khá thịnh hành.
Thứ nhất, kêu gọi các nguồn funding (tài trợ), sau đó chỉ tập trung phát triển công nghệ và sản phẩm theo yêu cầu của người dùng rồi tối ưu trên hệ thống. Không phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền”.
“Mô hình này không phù hợp ở Việt Nam”, ông Hùng nhận định rồi minh họa thêm: “Chúng tôi cũng thành lập quỹ như thế nhưng suốt gần 20 năm, tổng tiền thu được chỉ khoảng 20 triệu đồng”.
Thứ hai, tung ra một sản phẩm phần mềm basic (cơ bản), sau đó cung cấp các dịch vụ tùy biến, đào tạo, dịch vụ gia công… trên phần mềm.
VINADES thực hiện theo mô hình này, nhưng sau một thời gian thì thấy phát sinh vấn đề: Thị trường Việt Nam nhỏ và mức chi khiêm tốn. Khối lượng công việc cao song biên lợi nhuận thấp.
“Có dự án khó, quy mô toàn quốc, tổng thu vài trăm triệu đồng nhưng vì chúng tôi ít kinh nghiệm kinh doanh, chỉ tính chi phí theo ngày công kỹ thuật, nên chỉ được nhận gần 20 triệu đồng tiền viết code, phần hỗ trợ vận hành phát sinh sau đó còn không tính phí. Đội ngũ kỹ thuật VINADES khá “thiện chiến”, làm được nhiều dự án “khó nhằn” mà thu nhập không cao. Chọn cách làm lợi nhuận thấp, không có nguồn tái đầu tư, công ty khó duy trì và phát triển bền vững. Nhiều năm liền, quy mô của VINADES chỉ khoảng chục nhân sự”, ông Hùng ôn lại những gian khó ngày đầu thành lập công ty.
Với tư tưởng “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, vị giám đốc trẻ quyết tâm theo học nhiều khóa đào tạo về sale, marketing, quản trị doanh nghiệp…, và dần thay đổi góc nhìn, tư duy kinh doanh.
Tuy nhiên, từ lúc thay đổi nhận thức đến khi học rồi làm và làm thành công vẫn là cả một thời gian dài.
Đến năm 2014, VINADES mới có dòng sản phẩm áp dụng mô hình kinh doanh mới - Software as a Service (phần mềm dạng dịch vụ): Không làm phần mềm theo kiểu cài đặt tại chỗ cho khách hàng nữa mà chuyển sang cung cấp dưới dạng dịch vụ, khách hàng đăng ký sử dụng, trả tiền theo năm, tạo thành dòng tiền cho công ty.
Dòng tiền tích lũy lớn dần. Với khoảng 10 – 15% ngân sách hàng năm đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm), giai đoạn 2014 – 2018, VINADES có nhiều sản phẩm tốt hơn, thiết kế phù hợp nhu cầu khách hàng, cộng thêm nhiều “chiêu” marketing bán hàng, tiếp cận khách hàng hiệu quả.
Đến năm 2018, trong tổng số 500 sản phẩm hiện diện trong kho của VINADES đã có khá nhiều dòng sản phẩm đột phá.
“Thời điểm cao điểm có mấy trăm công ty thiết kế web đều sử dụng sản phẩm của NukeViet. Nói đến Nuke Viet là họ biết đến VINADES, cái gì khó thì họ tìm đến mình. Mình không bao giờ hết việc, chỉ có điều làm vất vả thôi”, ông Hùng cho biết.
“Điểm danh” những sản phẩm/khách hàng ấn tượng nhất, CEO VINADES nhắc ngay tới một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giúp VINADES phát triển dòng sản phẩm mới - Cổng thông tin dành cho doanh nghiệp với hai giao diện khác nhau, một mặt là cổng thông tin công khai dành cho cổ đông, khách hàng, nhà đầu tư, và một mặt cổng thông tin nội bộ cho cán bộ công nhân viên. Nếu không có đề xuất từ thực tiễn của khách hàng, VINADES cũng chưa nghĩ tới hướng làm sản phẩm đa diện như vậy.
Kế tiếp là Cổng thông tin dành cho giáo dục NukeViet Edu Gate, tích hợp website các trường học lên cấp phòng, cấp sở giáo dục và đào tạo. Với tư duy cởi mở, ủng hộ công nghệ mới của Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, lúc đó làm Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung thuyết minh sử dụng phần mềm nguồn mở của VINADES được đưa vào hướng dẫn nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin năm học 2010 – 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. NukeViet Edu Gate cũng đã được triển khai tại một số sở/phòng giáo dục và đào tạo, duy trì hoạt động ổn định cho tới tận bây giờ.
VINADES cũng là đơn vị phát triển kho học liệu bài giảng điện tử quốc gia iGiaoduc.vn, một thành phần quan trọng trong đề án Hệ tri thức Việt số hóa (iTrithuc.vn). Xuất phát từ cuộc thi bài giảng e-learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức định kỳ 2 năm/lần, VINADES đề xuất đổi quy chế, mời chuyên gia tập huấn, hỗ trợ giáo viên tham gia cuộc thi tìm hiểu thêm về cách khai thác học liệu mở, cách làm bài giảng điện tử với giấy phép mở…, từ đó hình thành nên kho học liệu mở của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, VINADES còn hỗ trợ vận hành thành công hệ thống chấm thi, bình chọn cho nhiều cuộc thi, chẳng hạn cuộc bình chọn trực tuyến "Người đẹp được khán giả yêu thích nhất" qua mạng trong khuôn khổ cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam tại các nước SNG” lần thứ II do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp tổ chức với Hội Người Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp và một số doanh nghiệp Việt Nam tại Liên Bang Nga.
“Những cuộc bình chọn này luôn là cuộc đấu trí giữa những khán giá, thí sinh muốn “ăn gian” kết quả bình chọn và những người làm công nghệ, thực sự rất khó quên”, ông Hùng vui vẻ kể.
Doanh nghiệp khởi tạo khái niệm “marketing công văn”
Năm 2018, Chính phủ phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp, một số nhân sự của VINADES tách ra lập công ty riêng, song chỉ khoảng 1 năm sau lại nhanh chóng “rỗng quỹ”, phải đóng cửa.
Để VINADES không mất “chất xám” và những người có đam mê phát triển kinh doanh giảm thiểu rủi ro, CEO Nguyễn Thế Hùng đề xuất phương án hỗ trợ khởi nghiệp ngay trong lòng doanh nghiệp. Những lập trình viên đam mê phát triển sản phẩm, muốn khởi nghiệp với ý tưởng của mình chỉ cần đề xuất với ban giám đốc, nếu thấy khả thi, công ty sẽ tư vấn và hỗ trợ từ tài chính, hạ tầng, quản trị, hành chính… đến việc xây dựng đội sale, marketing để đảm bảo triển khai thành công ra thị trường. Ngay cả nhân viên sale hoặc marketing có ý tưởng tốt cũng sẽ được công ty sắp xếp đội kỹ thuật triển khai làm sản phẩm để thương mại hóa. Những người đề xuất ý tưởng tốt và đi theo dự án sau này sẽ làm lãnh đạo dự án đó và hưởng cổ phần sáng lập. Khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp, các bạn trẻ vẫn nhận lương công ty, nếu dự án thất bại thì có thể chuyển sang đội dự án khác. Dự án nào có doanh thu trên 5 tỷ đồng và có lợi nhuận thì sẽ được tách ra làm công ty riêng.
Dự án Hệ sinh thái Đấu Thầu với cốt lõi là Phần mềm Săn thông tin thầu DauThau.info xuất hiện trong bối cảnh đó.
Sau nhiều lần tìm kiếm thông tin trên Mạng Đấu thầu quốc gia, thấy nhiều dự án về mảng website/cổng thông tin mình có khả năng làm nhưng không tiếp cận thông tin kịp thời, lúc tìm được thì dự án sắp đóng thầu, lỡ mất cơ hội, ông Hùng cùng các cộng sự tự hỏi: Liệu việc tìm kiếm thông tin về các gói thầu này có thể tự động hóa?
“Bài toán” tự động hóa việc lấy dữ liệu từ Mạng Đấu thầu quốc gia về rồi đưa vào phần mềm phân tích, sàng lọc thông tin phù hợp, gửi đúng thông tin cần thiết cho người nhận qua email, được giao cho hai sinh viên thực tập.
Kết quả khả quan bất ngờ. Phần mềm Săn thông tin thầu DauThau.info nhanh chóng được hoàn thiện. Thông tin về hàng loạt gói thầu liên quan đến mảng cổng thông tin, thiết kế website… được bắn về email cho ông Hùng theo đúng yêu cầu.
Thời điểm đó, nhiều công ty phần mềm cũng khai thác dữ liệu từ Mạng Đấu thầu quốc gia để làm dịch vụ cung cấp thông tin thầu, nhưng kết quả gửi cho khách hàng thường chỉ là file pdf, khách hàng phải đọc hết từ đầu đến cuối, kể cả những thông tin không liên quan đến ngành nghề của họ.
Phần mềm Săn thông tin thầu DauThau.info tạo được sự khác biệt hoàn toàn so với các sản phẩm sẵn có trên thị trường.
CEO VINADES chia sẻ thông tin với bạn bè là chủ các doanh nghiệp, nhiều người cũng muốn nhận thông tin thầu liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.
Nhưng khi nghe ông Hùng bày tỏ ý muốn kinh doanh dịch vụ khai thác dữ liệu đấu thầu, không ai tin có thể làm được, bởi nhiều lý do, gồm cả tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu.
Áp dụng kiến thức marketing được học hỏi từ nhiều bậc thầy trong nghề, Nguyễn Thế Hùng vẫn quyết định bán dịch vụ, chạy thử khung giá với 10 bước giá, từ 200.000 đồng đến 15 triệu đồng (giống chính sách VinFast đang triển khai, khách hàng đặt mua sản phẩm sớm sẽ có mức giá mềm hơn). Ngay năm đầu tiên, dự án đã có lãi.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, VINADES nhanh chóng xây dựng và cung cấp 17 gói phần mềm săn thông tin thầu, phân tích dữ liệu thầu có những tính năng khác nhau, phục vụ đa dạng tập khách hàng. Sau đó bổ sung sàn đấu thầu tư nhân, công cụ đấu thầu mua sắm tư nhân để tạo hệ sinh thái sản phẩm, và thành lập Công ty Hệ sinh thái Đấu Thầu.
Thế nhưng, hành trình phát triển của Hệ sinh thái Đấu Thầu gặp không ít sức ép, lực cản lớn. Một số cơ quan quản lý nhà nước lấy lý do cơ quan quản lý không có văn bản cho phép khai thác dữ liệu đấu thầu, nên không cấp phép kinh doanh cho công ty, thậm chí còn gây khó dễ, gửi công văn tới nhiều nơi để tìm phương án cấm loại hình kinh doanh này.
“Đỉnh điểm” của sự căng thẳng, ngay trước kỳ nghỉ Tết đầu năm 2021, VINADES nhận được quyết định chặn tên miền DauThau.info với những lý do không thuyết phục.
“Cơ quan nhà nước ra quyết định xử phạt, chúng tôi chấp hành nộp phạt nghiêm chỉnh, sau đó mới tranh cãi. Theo chúng tôi hiểu, mọi người dân có quyền làm những việc nhà nước không cấm, không vi phạm quy định của pháp luật. Vì thế, chúng tôi gửi công văn khắp nơi, cả ký điện tử, cả đóng dấu đỏ, để hỏi xem có sở cứ nào cho thấy chúng tôi vi phạm hay không. Nếu có căn cứ pháp lý cho thấy vi phạm, hoặc bất cứ yêu cầu nào của cơ quan quản lý về việc không cho phép thực hiện hoạt động này, chúng tôi chấp nhận dừng lại, còn những điều vô lý thì phải tranh cãi đến cùng. Suốt nửa năm, 2 kỳ báo cáo của Văn phòng Chính phủ lên Thủ tướng có đề cập tới vụ VINADES đang bị một số “rào cản”, đề nghị các bộ ban ngành khắc phục xử lý. Chúng tôi luôn tin rằng cứ tuân thủ pháp luật, làm theo những gì được pháp luật ủng hộ, thì sẽ đi được đường dài. Sau vụ này của VINADES, mọi người có khái niệm “marketing công văn””, ông Hùng cho hay.
Hiện VINADES là doanh nghiệp hiếm hoi trụ lại được trong mảng kinh doanh phần mềm/dịch vụ dữ liệu đấu thầu tại Việt Nam.
Chia sẻ “bí quyết” vượt qua những lực cản, ông Hùng nhấn mạnh, bên cạnh sự kiên trì, bền bỉ, thậm chí… gan lì, thì doanh nghiệp cần tham gia chặt chẽ vào các câu lạc bộ, hội, hiệp hội ngành nghề. Nếu chính sách có ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp, hoặc chính sách tốt nhưng cơ quan thực thi làm không tốt, các tổ chức hội, hiệp hội này sẽ bảo vệ hội viên thông qua việc phản ánh bất cập với các cơ quan quản lý nhà nước để họ thay đổi.
Tạo sản phẩm, dịch vụ mới, vươn tới thị trường quốc tế
Nhìn lại hành trình phát triển của một doanh nghiệp phần mềm nguồn mở Việt Nam, CEO Nguyễn Thế Hùng giãi bày: “Nếu bây giờ lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn làm phần mềm nguồn mở nhưng sẽ làm một cách sáng suốt hơn, có hiểu biết hơn để bớt vất vả hơn. Hồi đấy mình tiếp cận phần mềm nguồn mở với tâm thế chưa biết gì cả, thành thử mất nhiều thời gian để học hỏi. Chính vì mất thời gian nên đã lỡ mất nhiều cơ hội, chẳng hạn như Nuke Viet không thể đẩy lên quy mô quốc tế, không có bước tích lũy để đột phá. Về sau, nhiều mã nguồn khác như Joomla, WordPress… phát triển mạnh mẽ, NukeViet lỡ mất thời gian vàng để ra thị trường ngoại. Khá đáng tiếc”.
Quay lại thực tại, vị Tổng Giám đốc nhìn nhận, thị trường phần mềm Việt Nam dần có nhiều yếu tố thuận lợi hơn cho doanh nghiệp công nghệ Việt, dù rằng sức chi, tỷ lệ đầu tư cho công nghệ thông tin còn thấp hơn mức bình quân của thế giới. Còn rất nhiều cơ hội phát triển ở phía trước.
VINADES đã phát động chủ đề hoạt động năm 2024 là “Năm nâng cấp và hoàn thiện”. Mục tiêu hướng tới sẽ hoàn thiện bộ máy, hoàn thiện quy trình công nghệ, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động để tăng hiệu quả, doanh thu cho công ty, tăng thu nhập cho các thành viên. Cùng với đó sẽ tiếp tục phát triển mô hình ươm mầm dự án trong lòng công ty, tìm kiếm dự án mới, đầu tư phát triển những dự án tiềm năng trở thành doanh nghiệp về công nghệ.
Trong xu hướng phát triển kinh tế dữ liệu, dữ liệu đấu thầu không chỉ phản ánh thông tin về thông tin của gói thầu cụ thể mà còn có nhiều giá trị gia tăng khác. Chẳng hạn, thông tin trên hệ thống đấu thầu có thể cho thấy dòng tiền đầu tư công đổ về các tỉnh, thành; xu hướng đầu tư theo ngành…
Dữ liệu đem lại rất nhiều giá trị cho doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Đồng nghĩa tiềm năng kinh doanh trong tương lai của VINADES khá dồi dào.
Bên cạnh nỗ lực chinh phục thị trường trong nước, VINADES sẽ mở rộng ngành hàng, tạo những dòng sản phẩm, dịch vụ mới, áp dụng xu hướng công nghệ mới để vươn ra thị trường quốc tế.
“Dĩ nhiên là sẽ có không ít khó khăn. Ví dụ mảng kinh doanh phần mềm và dịch vụ dữ liệu đấu thầu. Chúng tôi sẽ tìm cách bản địa hóa sản phẩm, dịch vụ theo từng thị trường ngoại. Muốn làm được điều này, đòi hỏi phải có hiểu biết về văn hóa, tập quán của khách hàng, cách thức vận hành của thị trường, đồng thời phải có nhân sự phụ trách các thị trường ngoại. VINADES đang triển khai kế hoạch tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở một số thị trường quốc tế. Hy vọng chúng tôi sẽ thành công trong việc chinh phục thị trường nước ngoài như đã làm với thị trường trong nước”, CEO Nguyễn Thế Hùng tiết lộ.