Thế hệ đầu 8X chúng tôi sinh ra khi còn thiếu thốn, khi vào Đại học mới có Internet. Cuối những năm 1990, cả hội thường ngồi lỳ hàng giờ ở quán Internet để tìm kiếm thông tin về thần tượng, lưu vào đĩa mềm những bức hình và thông tin về họ, lúc cần thì ra hàng in.
Sau lần đến nhà bác, tôi tình cờ được nghe bản nhạc Going Home của Kenny G và bắt đầu mê tiếng kèn của anh từ đó. Thời đấy chưa có YouTube lẫn mạng xã hội như bây giờ nên tôi và ông anh họ vốn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội sinh năm 1977 cũng mê Kenny G suốt ngày rủ nhau ra hàng Internet để tìm thông tin về Kenny G.
Hồi xưa đĩa nhạc khá hiếm nên cứ cuối tuần là chúng tôi chở nhau lên Chợ Giời, lùng sục các hàng bán đĩa CD vét bằng sạch những đĩa nhạc của Kenny G hoặc chỉ cần có tên anh trong album nhạc không lời nào đó là sẵn sàng mua. Gần như mọi đồng tiền để dành được đều "đốt" hết vào đĩa, mà thường là những đĩa nhạc lậu được nhập từ Trung Quốc. Chẳng sao, miễn là có thể nghe các bản nhạc yêu thích.
Những ngày phải lên giảng đường mà có các chương trình âm nhạc quốc tế hay MTV theo yêu cầu trên sóng FM, tôi chuẩn bị sẵn 1 cuộn băng trắng, dặn mẹ ở nhà nếu thấy giới thiệu bài nào của Kenny G thì ghi lại. Có lần, tôi tự gửi thư cho VOV đề nghị tặng mình 1 bản nhạc của Kenny G và sướng điên lên khi thấy yêu cầu của mình được đáp ứng trên sóng phát thanh.
Thập niên 1990 có thể gọi là thập niên của Kenny G. Album phòng thu thứ 6 của anh - Breathless ra mắt năm 1992 đã trở thành album khí nhạc bán chạy nhất trong lịch sử khi đó với 12 triệu đĩa bán ra riêng tại Mỹ. Ca khúc Forever in Love trong album này còn giành giải Grammy và lọt bảng xếp hạng Billboard Year-End Hot 100, bài By the Time This Night Is Over hợp tác cùng ca sĩ Peabo Bryson xếp thứ 25 trong bảng xếp hạng Billboard Hot 100.
Kenny G không hổ danh là ông hoàng của thể loại smooth jazz. Hiếm có nghệ sĩ chơi nhạc cụ nào được hầu hết các ca sĩ tên tuổi ở nhiều thể loại mời hợp tác như anh, từ Andrea Bocelli, Frank Sinatra, Natalie Cole, Michael Bolton đến Celine Dion, Toni Braxton... Năm 1997, Kenny G chính thức được vinh danh trên Đại lộ Danh vọng Hollywood với một ngôi sao mang tên mình - sự ghi nhận cho sức ảnh hưởng của anh trong lĩnh vực âm nhạc.
Năm 1992, bộ phim Vệ sĩ (The Bodyguard) đình đám có Whitney Houston ra mắt, chúng tôi được xem phim sau đó vài năm và một lần nữa phát cuồng vì tiếng kèn của Kenny G xuất hiện trong nhạc phim. Những giai điệu da diết thuộc thể loại smooth jazz qua tiếng kèn của Kenny G khi ấy là chuẩn mực âm nhạc của thế hệ tôi. Ở cái thời mạng xã hội không phát triển như bây giờ, những nghệ sĩ thật sự có ảnh hưởng đến công chúng hầu hết đều là rất chất lượng và chơi nhạc thuần túy.
Kenny G là một trong số đó. Cùng với Modern Talking, Boney M, nhạc Kenny G gần như thống trị thế giới âm nhạc của lứa 7X, đầu 8X. Khi ấy, thế giới nhạc không lời chúng tôi biết đến có lẽ chỉ gói gọn trong hai chữ Kenny G. Đến quán cà phê nào gần như cũng có thể nghe nhạc Kenny G. Nhạc của anh phổ biến như cơm ăn hàng ngày. Âm nhạc Kenny G dễ nghe, ngọt ngào và cũng dễ cảm, khiến khán giả mê mệt. Hình ảnh một nghệ sĩ tóc xoăn chìm đắm trong tiếng đàn saxophone đã gắn với thời thanh xuân đẹp nhất của chúng tôi.
8 năm trước, khi nghe tin Kenny G sang Việt Nam biểu diễn, chúng tôi hò nhau đi xem bằng được. Dù cuộc sống đã khác, không còn hâm mộ anh cuồng nhiệt như thời đi học nhưng âm nhạc Kenny G đã trở thành một ký ức đẹp của tuổi trẻ.
Được thưởng thức trực tiếp tiếng kèn của anh trên sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội khi ấy đúng là một giấc mơ chưa từng nghĩ tới. Người nghệ sĩ từng làm chúng tôi mê đắm bằng những giai điệu trên radio hay đĩa nhạc CD xước chằng chịt hàng chục năm trước một lần nữa làm sống dậy cảm xúc tuyệt vời qua giai điệu của: Going Home, Forever in Love, Sentimental, Don't Make Me Wait for Love...
Thành công với hàng chục album trong phòng thu nhưng Kenny G nói anh thích biểu diễn trực tiếp. Anh lý giải: "Khi chơi live, tôi cảm nhận được phản ứng và cảm xúc của khán giả ngay ở thời điểm ấy. Một người có kỹ thuật chơi nhạc tuyệt vời không có nghĩa những đĩa nhạc của họ tốt hơn. Mặc dù rất chiều công chúng nhưng tôi cũng đi theo tiếng gọi của trái tim mình". Chính vì chơi nhạc bằng cả trái tim nên âm nhạc của Kenny G sau nửa thế kỷ vẫn không lỗi thời bởi đó là thứ thanh âm của cảm xúc.
Chị Kim Xuyến - vợ NSƯT Đăng Dương - một người bạn của tôi cũng rất mê tiếng kèn Kenny G, chị nói đã trực tiếp nghe người nghệ sĩ chơi live khi đến Việt Nam biểu diễn và đến giờ vẫn mê mẩn các tác phẩm của ông đến nỗi mỗi tối trước khi đi ngủ đều nghe các tác phẩm Kenny G trình diễn. ''Tôi mong ông sớm trở lại Việt Nam để những âm thanh đẹp đẽ được trở về, trỗi dậy và đưa người nghe chìm đắm vào âm nhạc, tái tạo năng lượng tích cực giữa cuộc sống bộn bề lo toan'' - chị Xuyến bày tỏ.
Ngày 14/11 tới, tôi háo hức khi biết Kenny G trở lại Hà Nội biểu diễn lần thứ 2, mở màn cho series Good Morning Vietnam Báo Nhân Dân và IB Group Vietnam tổ chức. Toàn bộ số tiền bán vé sẽ được để dành cho các hoạt động thiện nguyện.
Ngọc Nhi