Chưa bao giờ Đảng ta lại quyết liệt chống tham nhũng như giai đoạn hiện nay. Chỉ riêng đại án Việt Á trong một thời gian ngắn đã có đến 70 người bị khởi tố để điều tra. Các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành đã vào cuộc với phương châm “dọc ngang thông suốt, trên dưới đồng lòng”. Mới đây nhất, 2 uỷ viên Trung ương là các ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long đã bị bắt.
Theo ông Bùi Văn Cường - Tổng thư ký Quốc hội, khi Ban Chấp hành Trung ương tổ chức phiên họp bất thường để thi hành kỷ luật hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất nghẹn ngào khi phát biểu đánh giá những thành tích, đặc biệt là nêu lên những nguyên tắc của Đảng.
Không nghẹn ngào sao được khi đồng chí của mình vấp ngã, khi sự phấn đấu rèn luyện gần cả cuộc đời lại bị gục ngã trước kim tiền.
Điều đó cho thấy rõ Tổng Bí thư luôn thường trực sự quyết liệt, giữ đúng nguyên tắc của Đảng nhưng lại rất nhân văn, nhân ái. Tất cả vì lợi ích của Đảng, của nhân dân và nhân ái nhân văn với những người biết sửa sai và tự vươn lên, tự gột rửa.
Trong một lần tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến quyết tâm trong phòng chống tham nhũng: “Trong công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp. Phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp. Giao cho anh quyền thì cũng phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn tham nhũng”:
Từ trước, dư luận nói nhiều đến “vùng cấm”. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi còn sống đã từng nhấn mạnh với báo chí rằng có người nói chỉ tắm từ vai trở xuống nhưng đã tắm thì phải gội đầu. Riêng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nói cụ thể hơn là không có vùng cấm và xử lý bất kỳ người đó là ai.
Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, là một trong 4 nguy cơ đe doạ đến sự tồn vong của chế độ thì không thể không làm.
Có thể thấy rõ thời gian gần đây, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Kết luận Phiên họp thứ 20 mới đây của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục.
Ông đau xót khi phải thi hành kỷ luật đồng chí của mình. “Tôi đã nói không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót. Các đồng chí thấy khi nào tôi nói về vấn đề này cũng đều rất xúc động. Bác Hồ đã nói cưa đi một vài cành cây sâu để cứu cả cái cây. Xử lý một vài người để cứu muôn người. Vấn đề này là vấn đề rất chiến lược nhưng làm phải có lý, có tình. Cho nên phải xây dựng luật, phải có tổ chức".
Tính nhân văn, nhân đạo chính là vì cái chung. Lợi ích riêng phải nằm trong lợi ích chung, đó chính là “lợi ích hài hoà”. Không ai có thể tách khỏi cái chung mà chỉ nghĩ đến riêng mình.
Không phải cho đến bây giờ khi kỷ luật 2 uỷ viên Trung ương, Tổng Bí thư mới xúc động. Ông thường nhấn mạnh đến tính nhân văn, nhưng nhân văn không đồng nghĩa với buông lỏng kỷ luật. Tính nhân văn phải đặt trong mối quan hệ hài hoà giữa lợi ích chung- riêng.
“Cắt vài cành để cứu một cây” là thông điệp vừa kiên quyết nhưng cũng rất nhân văn, nhân đạo. Ai cũng hiểu chỉ cắt khi không còn cách thức nào khác. Vì thế, nhiều lần Tổng Bí thư đề nghị mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa).
Sai phạm của 2 ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long trong vụ đại án cụ thể ra sao các cơ quan tố tụng đang tiến hành làm rõ. Nhưng như Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã từng trả lời chất vấn trước Quốc hội khi mới xảy ra vụ án Việt Á thì rõ ràng là cơ quan điều tra chỉ khởi tố đối với những người liên quan đến chia chác tiền nong. Hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long đã “thoái hoá, tự diễn biến, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng” thì không thể thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.
Nguyễn Đăng Tấn