Trả lời báo chí tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào chiều 16/6 về việc bãi nhiệm ĐBQH, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế với ông Nguyễn Thanh Long, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ “rất bùi ngùi xúc động khi phải đọc những nghị quyết bãi miễn đồng chí, đồng nghiệp của mình”.
Tổng Bí thư rất nghẹn ngào
Theo ông Cường, những thành tựu mà ngành y tế đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, kể cả cá nhân Bộ trưởng Long cũng có nhiều đóng góp.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, để giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chúng ta buộc phải thực hiện những quyết định như vậy. Như Nghị quyết tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV đã khẳng định “không có vùng cấm, ngoại lệ” trong việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.
“Cũng phải thấy rằng những đóng góp của ngành y tế, trong đó có đóng góp của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, nhất là phòng chống Covid vừa qua là rất lớn, nhưng sai phạm vẫn phải xử lý để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương”, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Ông cho biết, khi Ban chấp hành Trung ương tổ chức phiên họp bất thường để thi hành kỷ luật này, Tổng Bí thư rất nghẹn ngào khi phát biểu đánh giá những thành tích, đặc biệt là nêu những nguyên tắc của Đảng.
Kỷ luật của Đảng là “kỷ luật sắt” nên không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ai vi phạm phải bị xử lý.
Bộ Y tế có mấy văn bản thông báo giá kit test Việt Á đến địa phương
Trả lời câu hỏi về việc những khủng hoảng của ngành y tế có xuất phát từ việc ban hành quá nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt mà việc giám sát không đến nơi, Tổng thư ký Quốc hội khẳng định: “Không phải sai phạm của anh Long là do các Nghị quyết của Quốc hội. Nghị quyết 30 là gỡ về mặt thể chế, đảm bảo các quy định, cơ chế đặc cách, đặc biệt được thực thi”.
Còn vi phạm của ông Long là liên quan đến kit test Việt Á, kết luận đã rất rõ, không phải do Nghị quyết của Quốc hội.
Về biện pháp gì để khắc phục tâm lý của cán bộ ngành y hiện nay thì ông Cường cho biết, trong Nghị quyết kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV có câu: “Sớm có biện pháp ổn định tổ chức bộ máy và tâm lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành y tế từ trung ương đến địa phương trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, tháo gỡ vướng mắc bất cập để triển khai đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế”.
“Nghị quyết Quốc hội chỉ ghi chung thế thôi, không thể có giải pháp A, B, C. Giải pháp cụ thể thuộc điều hành của Chính phủ và ngành y tế”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, xử lý cán bộ do các vi phạm liên quan Việt Á, có những vi phạm về pháp luật hình sự thì phải xử lý và khi xử lý có gây ra tâm lý không dám phê duyệt, quyết định mua sắm gì cả.
“Pháp luật của chúng ta về đấu thầu, mua sắm rất cụ thể, cứ theo đúng như thế thì chúng ta không vi phạm. Chỉ khi làm không đúng, như giá kit test chưa được hội đồng thẩm định thông qua mà một cục chuyên môn của Bộ Y tế đã có mấy văn bản thông báo đến các địa phương mua cái giá như vậy theo chỉ đạo của Bộ trưởng Long. Rõ ràng đây là câu chuyện không đúng pháp luật”, ông Cường nhấn mạnh.
Tổng Thư ký cho rằng, làm đúng quy định thì không ai vi phạm, là câu chuyện khác. Ở đây là làm không đúng quy định, bỏ qua quy định để mua bán với giá như vậy rõ ràng là câu chuyện không đúng quy định pháp luật. Còn có trục lợi hay không thì chỉ cơ quan có thẩm quyền, cơ quan điều tra mới biết được.
“Khi có văn bản thông báo giá như thế để địa phương mua, không được các cơ quan đánh giá, không để các cơ quan chức năng làm đủ các quy trình, bỏ sót quy trình gây hậu quả nghiệm trọng làm thất thoát tài sản của nhà nước lớn thì phải xử lý”, ông Cường nói.
Thu Hằng - Trần Thường