Trước đó, các bác sĩ đã khuyên mẹ của Amy nên bỏ thai ở tuần thứ 20 sau khi phát hiện tình trạng dị tật phức tạp. Nhưng bố mẹ cô từ chối, muốn cho đứa con chưa chào đời của mình một cơ hội chiến đấu.
Amy hiện sống với cha mẹ, có một anh trai và một chị gái. Cô chào đời với cả hai động mạch tim đều bị lệch hướng và có một tâm thất trái đôi. Đây là khiếm khuyết rất hiếm gặp, khi bên phải của tim nhỏ và kém phát triển, nguồn cung cấp máu chuyển sang bên trái.
Theo Express, Amy đã trải qua ba cuộc phẫu thuật tim hở khi còn nhỏ và sự mạo hiểm của gia đình cô đã được đền đáp. Lần mổ đầu tiên diễn ra khi Amy mới 5 ngày tuổi. Các bác sĩ đặt ống dẫn lưu vào tĩnh mạch chính để giữ lại mạng sống cho cô.
Sau đó, Amy tiếp tục những cuộc phẫu thuật phức tạp hơn khi 2 và 7 tuổi. Mặc dù ghét môn thể dục ở trường nhưng Amy vẫn áp dụng chế độ tập luyện vừa phải giúp ích cho trái tim.
Ở tuổi 22, Amy đã trở thành người sống lâu nhất ở Anh chỉ với nửa trái tim. Kể từ khi cô tham gia tập gym cách đây 4 năm, chức năng tim đã được cải thiện rất nhiều. Các chuyên gia nhận định sau này, Amy có thể sẽ không cần cấy ghép tim.
Amy, đến từ Worsley, Greater Manchester (Anh), cho biết: "Trước đây, các bác sĩ nói rằng nếu tôi sống sót, tôi sẽ cần cấy ghép tim khi 20 tuổi. Nhưng trong lần khám cuối cùng, họ nói với tôi rằng chức năng tim của tôi đã tốt hơn và khỏe hơn nhiều. Có thể tôi sẽ không cần ghép tim cho đến khi sang tuổi 40, đó là một tin tuyệt vời”.
Cô nói thêm: "Tôi bắt đầu tập luyện khi 18 tuổi, vì lúc đó tôi rất ốm yếu. Lúc đầu, tôi không thể nâng được một chiếc tạ nào, nhưng tôi bắt đầu từ từ và dần dần nâng cao bản thân. Tôi tập luyện 5 lần/tuần và tôi cũng là huấn luyện viên cá nhân. Tôi rất vui vì đã rèn luyện được sức mạnh của mình như thế này, giúp tôi có một sức sống mới. Bây giờ, tôi cảm thấy rất tuyệt”.
Người phát ngôn của Tiny Tickers, tổ chức từ thiện dành cho trẻ sơ sinh mắc bệnh tim, cho biết: "Amy đang tiến triển rất tốt dù từng bị tiên lượng không có khả năng sống sót cao. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh này đều không thể qua được tuổi thiếu niên”.