Khi người Scotland đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý tách khỏi Vương quốc Anh (IndyRef) vào tháng 9/2014, vai trò của Nữ hoàng Elizabeth II bị soi xét kỹ lưỡng. Vào thời điểm đó, lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland (SNP) Alex Salmond cam kết, nếu các cử tri ủng hộ việc rời khỏi liên minh hơn 300 năm tuổi, bà Elizabeth sẽ vẫn là "Nữ hoàng của Scotland".
Cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, ông Salmond đã đánh giá chính xác tình cảm của người dân lúc bấy giờ dành cho Nữ hoàng - 52% muốn bà tiếp tục là nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, ông Salmond đã tính toán sai thái độ của Scotland về việc độc lập khi tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ giảm xuống còn 45%.
Theo CNN, trong số nhiều bài học từ sự kiện IndyRef 2014 ở Scotland, một điều được rút ra là, Nữ hoàng không bị coi là một phần trực tiếp gây ra vấn đề. Tuy nhiên, ở Bắc Ireland, trong phần lớn thời gian trị vì của bà, điều trái ngược đã xảy ra.
Suốt 30 năm xung đột vũ trang ở Bắc Ireland, những người ủng hộ sự toàn vẹn của Vương quốc Anh đã chống lại những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland. Trong đó, những người theo chủ nghĩa đoàn thể trung thành với vương miện Anh và các giá trị truyền thống họ tin nó còn lưu giữ. Song, đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland, đó lại là biểu tượng của phần lớn sự chia cắt tỉnh này, phản ánh các lực lượng Anh từng buộc tổ tiên của họ phải quy phục cũng như thôn tính đất đai của họ.
Lord Louis Mountbatten, ông chú yêu thích của Vua Charles III và cũng là vị toàn quyền cuối cùng của Anh ở Ấn Độ, đã bị những người theo phe Cộng hòa Ireland sát hại cùng với một số người cháu của ông. Thông điệp gửi đến quốc vương Anh lúc bấy giờ là, những người có cùng dòng máu với bà đã trở thành mục tiêu tấn công.
Câu trả lời công khai của Nữ hoàng được đưa ra nhiều năm sau đó, trong một chuyến thăm Bắc Ireland năm 2012 tiếp sau hòa bình do Thỏa thuận Thứ Sáu tuần Thánh mang lại. Khi đó, bà đã bắt tay Martin McGuinness, một trong các chính khách Cộng hòa liên quan nhất đến các phe nhóm đứng sau bạo lực trong quá khứ.
Việc các quan chức chính phủ đề nghị Nữ hoàng bắt tay McGuinness nói lên sức mạnh ảnh hưởng của bà đối với mọi thứ thuộc liên minh. Những người Cộng hòa theo chủ nghĩa dân tộc Ireland trong đảng của chính khách này rốt cuộc miễn cưỡng chấm dứt "cuộc xung đột vũ trang" và hiện vẫn ở lại Vương quốc Anh.
Vì vậy, quan điểm cho rằng Nữ hoàng Elizabeth không có mấy ảnh hưởng đến liên minh ngày nay là hiểu sai về triều đại của bà. Nữ hoàng thực sự là lực lượng thống nhất, sử dụng quyền lực mềm của bà một cách tế nhị và kín đáo với mục đích duy nhất là duy trì liên minh cùng những dấu tích của Đế chế, Khối thịnh vượng chung.
Khả năng của Nữ hoàng trong việc thấu hiểu và điều hướng sự phức tạp của mối quan hệ Edinburgh - London theo cách các chính trị gia Anh, đặc biệt là phe Bảo thủ hiếm khi nắm bắt được, cũng như khả năng vượt qua nỗi đau cá nhân dưới bàn tay của những người Ireland theo chủ nghĩa dân tộc quốc gia, đã chứng minh đóng góp của bà cho sự thống nhất vương quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà người chồng quá cố của Nữ hoàng - Hoàng tế Philip được phong là Công tước xứ Edinburgh hay con trai bà - Vua Charles III hiện nay từng được trao tước hiệu Hoàng thân xứ Wales tại lâu đài Caernarfon ở xứ Wales hoặc cháu trai của bà - Hoàng tử William, Công tước xứ Cambridge, cũng được phong làm Bá tước Strathearn ở Scotland. Là người kế vị ngai vàng, William hiện kế thừa tước hiệu Công tước Rothesay ở Scotland trước đây do cha mình từng nắm giữ.
Cũng không phải ngẫu nhiên khi Nữ hoàng đã dành nhiều tháng trong năm tại lâu đài Balmoral ở Scotland, một trong những dinh thự bà yêu thích và cảm thấy gắn bó. Chính tại Balmoral, bà đã thực hiện các trọng trách cuối cùng trước khi băng hà, bao gồm cả chấp nhận kiến nghị từ chức của Thủ tướng Anh Boris Johnson và mời người kế nhiệm ông - Liz Truss thành lập một chính phủ mới. Hai ngày sau, hôm 8/9, các thành viên gia đình của Nữ hoàng đã tề tựu ở đó, vào thời điểm Điện Buckingham công bố thông tin về sự ra đi của bà cho người dân Anh và thế giới biết.
Nữ hoàng Elizabeth xây dựng bản thân như nhân vật có thiện cảm với cả Vương quốc Anh. Sức mạnh thống nhất của bà về mặt này được đánh giá "mềm dẻo và hiệu quả". Nữ hoàng không bao giờ tuyên bố bản thân cảm thấy là người Anh nhiều hơn người Scotland hoặc ít gắn bó với người Bắc Ireland hơn người xứ Wales.
Những thù hận cũ đối với quốc vương Anh đã có trước thời kỳ trị vì của bà hơn một thế hệ. Đối với nhiều người ở tất cả các vùng đất thuộc Vương quốc Anh, Nữ hoàng là hiện thân của tính nhất quán, phong tục và sự tiếp nối. Do đó, con trai của bà - Vua Charles III được kỳ vọng cũng có khả năng làm như vậy.
Tuấn Anh