Yury Solomonov, nhà phát triển tên lửa huyền thoại người Nga và là thiết kế gia trưởng của Viện Công nghệ nhiệt Moscow (MITT) hôm 15/5 xác nhận với báo chí: “Vào ngày 7/5 năm nay, chính phủ đã ký ban hành nghị định về việc triển khai hệ thống tên lửa Bulava”.
Theo Sputnik, RSM-56 Bulava là tên lửa 3 tầng sử dụng nhiên liệu rắn, nặng 36,8 tấn và có tầm bắn ít nhất 9.300km. Mỗi tên lửa có thể mang theo từ 6 - 10 đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV) trang bị hạt nhân, với đương lượng nổ từ 100 - 150 kiloton (tương đương sức công phá của 100.000 – 150.000 tấn thuốc nổ TNT).
Ngoài ra, Bulava có thể phóng tới 40 mồi nhử để làm bão hòa hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Các đầu đạn MIRV của tên lửa có thể tăng tốc tới mức siêu vượt âm trong khi bay và sở hữu khả năng cơ động cao, khiến chúng rất khó bị đánh chặn.
Bulava có thể gia tăng rủi ro cho đối thủ vì là tên lửa phóng từ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borei và Borei-A ngoài biển. Các tàu ngầm này có thể ẩn nấp sâu dưới mặt biển tại các địa điểm tuần tra bí mật và bất ngờ phóng tên lửa từ dưới nước, khiến đối phương gần như không thể bắn chặn chúng, bảo đảm khả năng trả đũa của Hải quân Nga. Mỗi tàu ngầm chở theo 16 tên lửa đạn đạo Bulava.
Các chuyên gia quân sự cho biết, Nga bắt đầu quá trình phát triển tên lửa Bulava vào năm 1998, sau khi dự án tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) R-39M Bark bị hủy bỏ sau một loạt vụ thử nghiệm thất bại. Nhiệm vụ tạo ra tên lửa chiến lược mới được giao cho ông Solomonov, chuyên gia phát triển hàng đầu, nổi tiếng với loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol, Topol-M và Yars.
Bulava ban đầu được mường tượng là loại thống nhất các thiết kế tên lửa chiến lược sử dụng nhiên liệu rắn, cả trên biển và trên mặt đất càng nhiều càng tốt để giảm chi phí. Điều này cuối cùng được chứng minh là không thể, và các nhà thiết kế phải bắt tay vào việc tạo ra một SLBM mới gần như từ đầu.
Quá trình phát triển gặp một loạt thách thức cản trở, với nhiều thử nghiệm thất bại kéo dài 3 năm sau vụ thử dưới nước thành công đầu tiên vào năm 2005. Nguyên nhân thất bại được xác định là do các vấn đề về phần mềm, lỗi sản xuất và các trục trặc khác dẫn đến việc tên lửa tự hủy, lệch hướng và bay không ổn định.
Ông Solomonov lưu ý, những thất bại này còn do vật liệu kém chất lượng, việc thiếu thiết bị sản xuất, quá trình kiểm soát chất lượng kém hiệu quả cùng việc thiếu kinh phí và thiếu một loạt linh kiện không còn được sản xuất ở Nga. Việc tái tổ chức quốc phòng vào năm 2009 đã mang lại một sự thay đổi rõ rệt, với các cuộc thử nghiệm từ năm 2010 - 2012 đã chứng tỏ thành công và tên lửa Bulava được đưa vào sử dụng thử nghiệm vào tháng 1/2013.
Vụ phóng thử nghiệm tên lửa Bulava từ tàu ngầm Emperor Alexander III tháng 11/2023. Nguồn: Sputnik
Các vụ phóng và phát triển tiếp tên lửa tục diễn ra trong thập kỷ tiếp theo. Đến cuối năm 2022, khoảng 40 vụ phóng thử Bulava đã được thực hiện để đảm bảo độ tin cậy và độ chính xác của tên lửa.
Tháng 11/2023, một quả Bulava đã được phóng từ tàu ngầm tên lửa Emperor Alexander III như một phần trong quá trình thử nghiệm của tàu. Cuộc thử nghiệm đã thành công vang dội khi tên lửa chiến lược xuất phát từ điểm phóng ở Biển Trắng, ngoài khơi tây bắc nước Nga đã đánh trúng mục tiêu cách đó hàng nghìn cây số ở bãi thử nghiệm Kura tại Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông.