W-dsc-5248-1.jpg
Bảo tàng Hà Nội đang trưng bày hơn 200 hiện vật và tài liệu về Giảng Võ trường mang tên “Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê”. Đây là dịp để du khách chiêm ngưỡng trường võ bị quốc gia đầu tiên của kinh thành Thăng Long xưa với bộ sưu tập bảo vật quốc gia vũ khí thời Lê.
W-dsc-5254-1.jpg
Ngoài sưu tập vũ khí, các nhà khảo cổ đã phát hiện các dấu tích của lò bễ, các cục xỉ sắt và những phác vật vũ khí đang chế tạo dở dang, cho thấy những vũ khí được đúc tại chỗ là chứng minh rõ ràng rằng Giảng Võ trường ngoài vai trò là nơi đào tạo, huấn luyện binh sĩ còn là địa điểm tự cung cấp vũ khí, quân trang quân dụng, phục vụ việc rèn luyện đào tạo quân đội.
W-dsc-5197-1.jpg
Bộ sưu tập vũ khí thời Lê gồm 111 hiện vật thuộc 13 nhóm có kích thước khác nhau, được phân loại theo chức năng sử dụng gồm 2 loại là: bạch khí (những vũ khí vận hành bằng cơ bắp người) và hoả khí (những vũ khí vận hành bằng thuốc súng).
W-vu-khi.jpg
Súng lệnh bằng đồng, độ dài trung bình 35-45cm là loại súng phóng pháo hiệu chỉ huy tiến hay lùi theo màu sắc pháo hiệu cháy phát ra. Súng lệnh trên thân bầu có 3 chi tiết: hai trụ nổi như đường rãnh, một gờ nổi có lỗ nhỏ để tra thuốc mồi gây nổ cho thuốc chứa trong bầu. 
W-dsc-5201-1.jpg
Từ trước đến đời Trần binh khí chỉ là giáo mác, cung tên, đến cuối thời Trần mới dùng súng lửa. Trong huấn luyện, súng lệnh là khí tài không thể thiếu. Đời vua Lê Thánh Tông có đặt ra pháo đội như những sở: Lôi hỏa, Điện hỏa, Tiệp hỏa, Uy hỏa, Nhuệ hỏa, Xuyên Vân.
W-dsc-5199-1.jpg

Đạn đá dùng cho súng thần công, đường kính trung bình từ 4-8cm. Việc phát hiện ra khá nhiều đạn chứng tỏ vùng Ngọc Khánh vốn là một phần của thao trường xưa. Trong dân gian còn lưu lại các địa danh như "bãi đạn", "trường bắn".

W-dsc-5202-1.jpg
Phác vật: là những thanh sắt có hình dạng và kích thước khác nhau, được rèn đập, tạo ngạnh nơi đầu nhọn và tạo phần chuôi tra cán. Những vũ khí này được gia công rèn đơn nên có trọng lượng và kích thước không giống nhau về độ dài, tiết diện thân và độ nhọn của mũi.
W-dsc-5203-1.jpg
Đinh dài và đinh ngắn. Đinh dài được sử dụng trong kiến trúc hoặc có thể đóng vào gỗ, được sử dụng như một bàn chông cơ động, hoặc để đóng ván thuyền. Đinh ngắn dài từ 6-8cm, hình dạng tương đối đều nhau, đầu to là mũ đinh bị đánh bẹt, đầu nhỏ là mũi đinh có công dụng đóng thuyền, làm nhà...
W-dsc-5225-1.jpg
Móc câu chùm kích thước 20,5cm, hình dáng như một chiếc mỏ neo. Đây là loại vũ khí dùng để quăng, móc đối phương. Khi móc ném trúng đối thủ người ném giật mạnh cho đối thủ ngã xuống hoặc vừa bị sát thương vừa bị kéo lê trên mặt đất. Đây còn là vũ khí dành cho thủy quân.
W-dsc-5235-1.jpg
Câu liêm, kích thước trung bình 67-70cm, là loại vũ khí được ưa chuộng và được trang bị phổ biến trong quân đội thời Lý - Trần - Lê. Khả năng sát thương của câu liêm hơn hẳn các loại vũ khí có cán khác như giáo, mũi trường. Vì nó có thể vừa đâm, móc, bổ kẻ địch. Dân gian còn gọi đây là móc đáp hoặc bồi đòn.
W-dsc-5224-1.jpg
Lao hai ngạnh, kích thước 20-26cm, có phần đầu giống mũi tên cánh lớn và phần chuôi là họng tra cán dài. Lao được ném đi khỏi tay người sử dụng, có tác dụng đánh địch ở cự ly xa. Với hai ngạnh tựa cánh én, các mũi lao khi đã ném bay đi trông rất nhanh và mạnh. Khi đã trúng mục tiêu việc rút mũi lao ra rất khó. Vì vậy, đây là loại vũ khí gây sợ hãi cho rất nhiều kẻ địch.
W-dsc-5205-1.jpg
Mũi nhọn bịt đầu cán hình chóp cụt, dài từ 18-20cm, đường kính 3-5cm. Đây chính là khâu bịt cuối cán của vũ khí.
W-dsc-5244-1.jpg
Giáo hình ngòi bút, trọng lượng 200gram, kích thước 16cm, hai vai gần vuông với họng. Phần mũi gây sát thương có hình ngòi bút, có nổi sống ở giữa và mỏng dần ra hai phía tạo thành hai lưỡi sắc ở hai bên.
W-dsc-5259-1.jpg
Tín bài An Đông, còn được gọi là "mộc bài" hay "quân hiệu", làm bằng gỗ lim, có lỗ xỏ dây để đeo. Mặt trước thẻ bài khắc chữ "An", mặt sau khắc "Đông", bên phải là chữ "Kiên", bên trái có chữ "Vũ". Đây là tín vật dùng để phân biệt danh tính, phẩm hàm hoặc biểu trưng phân hiệu của một đơn vị quân đội nào đó.
W-dsc-5267-1.jpg
Đầu rồng, chất liệu nung, niên đại 13-14. Đây là vật trang trí kiến trúc duy nhất được tìm thấy, chứng minh rằng công trình có tầm cỡ kiến trúc quốc gia.
W-dsc-5268-1.jpg
Những nguyên liệu của lò rèn sắt, xỉ lò rèn, tạp chất của nguyên liệu, những mũi tên dính vào nhau. Niên đại của chúng từ thời Lê Sơ, thế kỷ 15.
W-dsc-5270-1.jpg
Lọ sành cao 21cm, đường kính miệng 11cm. Theo Giáo sư Đỗ Văn Ninh, đây có thể là hũ đựng gạo từ thế kỷ 17-18.

Giảng Võ Trường được biết đến là địa điểm quan trọng ở Thăng Long xưa. Đây là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của các triều đại phong kiến. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi các sự kiện: Năm 1010, nhà Lý cho lập điện Giảng Võ; năm 1070, lập Xạ đình. Tháng 8/1253, Trần Thái Tông lập Giảng Võ trường làm nơi học tập của các tướng lĩnh. Từ đầu thời Lê, khu vực phía tây Thăng Long (bao gồm khu vực Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh) đã trở thành một trung tâm luyện tập, khảo hạch và diễn tập quân sự lớn. Khu di tích Giảng Võ phía tây Thăng Long chính là khu di tích về một trường võ bị quốc gia thời Lê kéo dài hơn 3 thế kỷ (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII).

Từ những năm 1960, việc nghiên cứu khu di tích trường Giảng Võ đã được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học. Bắt đầu từ những phát hiện hiện vật vũ khí tại trường Trung cấp Giao thông Cầu Giấy (nay là Đại học Giao thông Vận tải) và đặc biệt là những phát hiện khảo cổ học ở hồ Ngọc Khánh (Ba Đình - Hà Nội) năm 1983 với bộ sưu tập vũ khí bằng kim loại phong phú bậc nhất của thời Trung đại cho phép xác định khu vực này là trường Giảng Võ thời Lê.