Ngày 19/8, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho hay mới tiếp nhận nữ bệnh nhân vào viện do tình trạng ngộ độc ấu tẩu.
Gia đình cho biết bệnh nhân ăn cháo ấu tẩu tại nhà, sau khi ăn 30 phút chị này xuất hiện dấu hiệu tê miệng lưỡi, tê chân tay, buồn nôn và nôn, khó thở. Bệnh nhân được đưa vào y tế cơ sở điều trị không đỡ, chuyển bệnh viện tỉnh.
Lúc này, chị vẫn trong tình trạng tức ngực, khó thở, nhiều rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy tim, phù phổi cấp, rối loạn điện giải. Lập tức, bệnh nhân được thở oxy, truyền dịch, điều trị rối loạn điện giải, dùng thuốc trợ tim, chống rối loạn nhịp tim… Hiện bệnh nhân đã dần ổn định sau 3 ngày điều trị.
Củ ấu tẩu, (hay còn gọi là củ ấu tàu), là rễ củ của cây ô đầu, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A do chứa chất aconitin. Độc tính của aconitin rất mạnh, chỉ cần một liều 0,02 – 0,05 mg cho 1 kg thể trọng đã có thể gây chết người.
Tuy nhiên, đây cũng là một vị thuốc sau khi được bào chế cẩn thận. Theo Đông y, củ ấu tẩu thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi, viêm dây thần kinh.
Ngộ độc aconitin của ô đầu chủ yếu do uống quá liều thuốc nam, thuốc bắc có củ ấu tẩu; uống nhầm thuốc dùng xoa bóp ngoài da hoặc ăn phải rễ cây này. Ngộ độc củ ấu tẩu còn do ăn cháo khi chế biến không đúng cách hoặc da tiếp xúc lâu với lá ô đầu.
Khi người bệnh ăn, uống các loại cháo, rượu có ấu tẩu, nếu có các dấu hiệu như: cảm thấy tê miệng và lưỡi, tê cóng đầu chi, chẩy nước rãi, rối loạn tiêu hóa, khó thở, co giật…, người nhà cần xửa trí ban đầu bằng cách gây nôn ngay, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở đến cơ sở y tế gần nhất.
Thực tế, các cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu, thậm chí tử vong do tự ý sử dụng củ ấu tẩu. Các thầy thuốc khuyến cáo người dân phát hiện người nhà ngộ độc ấu tẩu tuyệt đối không giữ người bệnh ở nhà để tự theo dõi, điều trị theo các biện pháp truyền miệng. Điều này rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng do co giật, suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim.