Khắp phố phường ở Hà Nội đang có rất nhiều hàng bán hoa bưởi. Tôi thường mua về bày cho thơm rồi lại bỏ đi như vậy rất lãng phí. Bác sĩ tư vấn giúp tôi hoa bưởi có thể dùng làm thuốc chữa bệnh hay làm trà không? Xin cảm ơn bác sĩ! (Lê Hồng Vân, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời:

Trong y học cổ truyền, tất cả bộ phận của quả bưởi đều được dùng làm thuốc từ lá, hoa, cùi, vỏ, múi. Bưởi là trái cây được nhiều người yêu thích vì ít sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản nhất.

Đối với hoa bưởi, ngoài mùi thơm dễ chịu chúng còn có nhiều dược tính tốt, nhất là với cơ quan hô hấp. Hoa bưởi được dân gian sử dụng trong nhiều bài thuốc dưỡng phổi. Tinh dầu của hoa bưởi còn tốt cho hệ tiêu hóa, kích thích cơ quan tiêu hóa hoạt động, ngừa táo bón. Từ lâu, hoa bưởi đã được người dân dùng ướp trà, ướp bột sắn dây và dùng trong nhiều bài thuốc khác nhau.

Sau khi mua hoa bưởi về, bạn có thể bảo quản lại bằng cách sấy hoặc phơi khô, dùng dần. Các bài thuốc từ hoa bưởi bạn có thể tham khảo:

Trị ho, tiêu đờm: Hoa bưởi 4g, hoa đậu một bát, nước gừng nửa thìa, đường phèn một thìa. Hoa bưởi rửa sạch cho vào nồi đun khoảng 10 phút sau đó bỏ bã lấy nước. Cho tiếp nước gừng, đường, hoa đậu vào rồi đun tiếp sau đó lấy ra ăn. Có tác dụng tiêu đờm, thông đại tiện.

Tiêu thực: Hoa bưởi 12g, chưng với trà uống tiêu thực (thức ăn ứ đọng), nấc, khí trệ, ngáp vặt.

Hoa bưởi ngâm mật ong: Bạn có thể dùng hoa bưởi rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào lọ thủy tinh, đổ mật ong phủ ngập hoa và ngâm từ 7 đến 10 ngày có thể dùng được. Lưu ý, bạn nên vớt hoa bưởi ra khỏi lọ mật ong. Dùng mật ong này giúp thanh lọc cơ thể, ngừa táo bón, dưỡng phổi, giảm ho.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý dùng hoa bưởi sạch, rõ nguồn gốc mới dùng làm thuốc. Hoa bán ở ngoài chợ có thể bị phun thuốc dưỡng cánh, chống rụng, nguy cơ tồn dư chất hóa học, nếu dùng có thể gây dị ứng, ngộ độc.