Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, Hamas, nhóm vũ trang Hồi giáo đang nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính sau vụ đột kích của nhóm vào lãnh thổ Israel ngày 7/10, khiến ít nhất 1.300 người thiệt mạng. Quân đội Israel đã đáp trả bằng chiến dịch không kích dữ dội nhất vào Gaza trong 75 năm xung đột, cướp đi sinh mạng của hơn 2.800 người Palestine tính đến ngày 17/10.
Đầu tuần này, cảnh sát Israel cho biết đã phong tỏa một tài khoản ngân hàng Barclays được xác định có liên quan đến hoạt động gây quỹ của Hamas, đồng thời chặn các tài khoản tiền ảo (tiền điện tử) được sử dụng để quyên góp.
Theo Reuters, động thái trên đã hé lộ một mạng lưới tài chính phức tạp, bao gồm một số hợp pháp và phần lớn ẩn giấu, làm nền tảng cho Hamas.
Đa dạng nguồn tài trợ
Matthew Levitt, cựu quan chức Mỹ chuyên về chống khủng bố, ước tính phần lớn ngân sách hơn 300 triệu USD của Hamas đến từ thuế đánh vào các doanh nghiệp cũng như từ các quốc gia hoặc các tổ chức từ thiện.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 2/2022 từng khẳng định, Hamas đã gây quỹ ở các nước vùng Vịnh khác và nhận tiền quyên góp từ người dân, những người nước ngoài sống xa quê hương và các tổ chức từ thiện của chính nhóm này.
Theo ông Levitt, trong bối cảnh bị Mỹ và các quốc gia như Anh xếp vào danh sách tổ chức khủng bố và áp trừng phạt, Hamas ngày càng sử dụng tiền ảo, thẻ tín dụng hoặc các giao dịch bình phong để né tránh những biện pháp hạn chế quốc tế. Song, năm nay, nhóm thông báo sẽ rút khỏi lĩnh vực tiền ảo sau một loạt thua lỗ. Ngoài ra, hệ thống sổ cái của tiền ảo có thể để lộ dấu vết các giao dịch thông qua nó.
Các nhà nghiên cứu công nghệ chuỗi – khối (blockchain) thuộc công ty TRM Labs mới đây phát hiện, việc gây quỹ bằng tiền ảo trước đây đã tăng lên sau các đợt bạo lực liên quan đến Hamas. Ví dụ, sau cuộc xung đột vào tháng 5/2021, các địa chỉ tiền ảo do Hamas kiểm soát đã nhận được hơn 400.000 USD.
Tuy nhiên, theo TRM Labs, kể từ đợt bùng phát giao tranh cuối tuần trước, các nhóm hỗ trợ nổi tiếng có liên quan đến Hamas chỉ chuyển được vài nghìn đôla thông qua tiền ảo. Điều này được tin có thể một phần do chính quyền Israel đang nhắm mục tiêu vào họ ngay lập tức.
Từ tháng 12/2021 – 4/2023, nhà chức trách Do Thái đã thu giữ số tiền ảo trị giá tới hàng chục triệu đôla từ gần 190 tài khoản liên kết với nhóm vũ trang Hồi giáo.
Vận tải và các giao dịch bình phong
Cho dù thông qua tiền ảo hay các phương tiện khác, các đồng minh của Hamas đã tìm ra cách để đưa tiền đến Gaza. Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Iran cung cấp tới 100 triệu USD hàng năm để hỗ trợ cho các nhóm vũ trang, bao gồm cả Hamas, bằng cách chuyển tiền thông qua các công ty vỏ bọc, giao dịch vận tải và kim loại quý.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, năm ngoái, Hamas đã thành lập một mạng lưới bí mật gồm các công ty quản lý khoản đầu tư trị giá 500 triệu USD vào các công ty ở nhiều nước. Washington đã công bố các biện pháp trừng phạt những công ty này vào tháng 5/2022.
Tehran hiện vẫn chưa phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin này.
Israel từ lâu cũng buộc tội các giáo sĩ hàng đầu của Iran kích động bạo lực bằng cách cung cấp vũ khí cho Hamas. Ngoài việc không công nhận Nhà nước Do Thái, Tehran đã công khai ủng hộ nhóm cả về mặt tinh thần và tài chính.
Qatar cũng nằm trong số ít quốc gia có ảnh hưởng với Hamas. Lí do vì đất nước giàu tài nguyên khí đốt này đã chi hàng trăm triệu đôla cho Gaza kể từ năm 2014, có thời điểm tới 30 triệu USD/tháng để giúp vận hành nhà máy điện duy nhất của vùng cũng như hỗ trợ các gia đình nghèo, nhân viên làm việc cho chính quyền của Hamas.
Một quan chức Qatar khẳng định, viện trợ của Doha giúp "duy trì ổn định và chất lượng cuộc sống cho các gia đình người Palestine". Việc Qatar thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, trở thành nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất khu vực của Mỹ… thường cho phép nước này trở thành trung gian hòa giải.
Đường đi của tiền mặt
Reuters trích dẫn một nguồn thạo tin tiết lộ, nguồn tài trợ của Qatar cho Gaza thực tế được chuyển qua Israel. Cụ thể, tiền được chuyển khoản điện tử từ Qatar sang Israel, trước khi các quan chức Do Thái và Liên Hợp Quốc mang tiền mặt qua biên giới tới Gaza.
Tiền mặt được phân phát trực tiếp đến các gia đình và công chức có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực. Mỗi gia đình hoặc cá nhân phải ký tên biên nhận tiền mặt. Một bản sao giấy tờ đó sẽ được gửi đến Israel, một bản gửi đến Liên Hợp Quốc và một bản gửi đến Qatar.
Trong những năm gần đây, Qatar đã mua nhiên liệu từ Israel cho nhà máy điện duy nhất của Gaza. Nước này cũng gửi nhiên liệu của Ai Cập đến tay Hamas để nhóm này có thể bán lại, sử dụng số tiền thu được để trả lương.
Chuyên gia Stephen Reimer thuộc tổ chức tư vấn Royal United Services Institute, nhận định, những nỗ lực mới của phương Tây nhằm hạn chế hoàn toàn quyền tiếp cận các kênh tài chính chính thức của Hamas sẽ khó thành công vì nhóm đã phát triển chiến thuật tài chính “phá vỡ những điều này”.