Ngày 24/9 (giờ New York), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh, đây là bài phát biểu thứ 4 và sẽ là cuối cùng của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với tư cách Tổng thống Mỹ.
Điểm lại những dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp kể từ khi ông lần đầu tiên được bầu làm Thượng Nghị sĩ năm 1972 lúc ông mới 29 tuổi, cho đến khi đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 46, một lần nữa ông Biden đã đề cập tới dấu mốc lịch sử nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Tổng thống Mỹ chia sẻ, suốt quãng thời gian dài tham gia chính trường, bản thân ông đã chứng kiến Mỹ và toàn thế giới nhiều lần vượt qua những thách thức về chia rẽ và hận thù. Quá trình đó không hề dễ dàng, đơn giản hay không có trở ngại.
Ông nêu dẫn chứng về sự kiện chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam - cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ ở thời điểm ấy. Ông cho biết nước Mỹ khi đó "chia rẽ, phẫn nộ" và phải đối mặt với tương lai nhiều hoài nghi.
Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ nhắc lại dấu mốc Việt Nam và Mỹ từng là cựu thù đã bắt tay nhau, trong chuyến thăm Việt Nam của ông Joe Biden tháng 9/2023 hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
"Năm ngoái, tại Hà Nội, tôi đã gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam và hai bên nhất trí nâng quan hệ đối tác lên mức cao nhất. Đó là minh chứng cho sức bền bỉ của tinh thần nhân loại, khả năng hòa giải để ngày hôm nay Mỹ và Việt Nam là đối tác và bạn bè.
Đó là bằng chứng cho thấy ngay cả từ nỗi kinh hoàng của chiến tranh vẫn có một con đường phía trước. Mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn", Tổng thống Mỹ chia sẻ và nhấn mạnh: "Chúng ta không được quên điều đó".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đang có chuyến công tác Mỹ, tham dự các hội nghị tại Liên Hợp Quốc.
Ngày 23/9, trong lễ kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện; hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh lịch sử quan hệ hai nước là quá trình hiếm có, là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.
Mặc dù hai nước đã có những giao thiệp đầu tiên từ cách đây hơn 2 thế kỷ, song phải trải qua nhiều thách thức, thăng trầm, từ cựu thù trong chiến tranh trở thành bạn bè và phát triển quan hệ lên thành Đối tác toàn diện vào năm 2013.
"Cách đây 30 năm, có lẽ người lạc quan nhất cũng không thể hình dung được bằng cách nào đó mà Việt Nam và Mỹ có thể vượt qua nỗi đau của chiến tranh để xây dựng và phát triển một mối quan hệ mạnh mẽ và tích cực như hiện nay", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.
Kết quả này là kết tinh của vô vàn nỗ lực hàn gắn, xây dựng lòng tin bền bỉ trong suốt ba thập niên của nhiều thế hệ lãnh đạo, chính quyền, Quốc hội và nhân dân hai nước.
Từ khi bình thường hóa quan hệ, nhiều lãnh đạo Việt Nam đã thăm Mỹ, và các Tổng thống Mỹ từ sau khi bình thường hóa quan hệ đều đến thăm Việt Nam.
Hợp tác trên mọi lĩnh vực từ chính trị ngoại giao đến kinh tế thương mại, quốc phòng an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân, trong xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc… đều đạt những bước tiến quan trọng và thực chất.
Đặc biệt, giao lưu nhân dân và hợp tác giáo dục đào tạo ngày càng sôi động. Hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ.