Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý thêm một số vấn đề, trong đó có nội dung về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
“Tôi đã nhiều lần nhắc lại câu nói của Các Mác rằng: "Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất"; nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất...”, Tổng Bí thư lưu ý.
Thực tế, thời gian vừa qua, nhiều vụ án xảy ra đều liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có những vụ việc liên quan đến cả cán bộ, lãnh đạo làm công tác quản lý.
Không ít vụ việc khi cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ mới lộ chân tướng của sự trục lợi, biến đất công thành đất tư khiến nhà nước thất thoát tài sản, còn cá nhân thì giàu lên phi pháp từ đất. Những màn hô biếnđất công thành đất tư với những chiêu trò lòng vòng góp vốn liên doanh, liên kết thành lập doanh nghiệp sau đó rút vốn bán cổ phần. Một sự vòng vèo nhằm trục lợi từ đất.
Có thể thấy, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất rồi bằng những cách thức lòng vòng đã chuyển giao quyền sử dụng đất từ đất công sang đất tư, từ người này sang người khác. Như vậy, tài sản là quyền sử dụng đất có thể dùng để góp vốn vào doanh nghiệp, quyền sử dụng đất đó được chuyển từ người góp vốn sang cho doanh nghiệp và trở thành tài sản của doanh nghiệp.
Với những lỗ hổng về chính sách, sự thoái hóa của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo đã hình thành những nhóm lợi ích, cấu kết biến đất công về tay của tư nhân với giá rẻ mạt. Đó có thể là hình thức góp vốn thành lập những doanh nghiệp liên doanh công – tư, rồi thoái vốn bằng cách chuyển nhượng cổ phần.
Điển hình là vụ đất vàng 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), từ đất công, sau một vòng tròn lòng vòng trở thành đất tư. Trong vụ án này, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bị xử 8 năm tù về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Hay như vụ án hô biến 43ha đất của Bình Dương từ đất công thành tư, nhiều lãnh đạo tỉnh đã vướng vòng lao lý. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty 3-2 (trực thuộc Tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương) quản lý và sử dụng 43ha để làm dự án. Sau đó đã cho phép Tổng công ty 3-2 góp vốn thành lập liên doanh với Công ty Âu Lạc (tư nhân) để kinh doanh. Và diễn biến sau đó là sự thoái vốn. Tổng công ty 3-2 đã thoái vốn, từ đây khu đất 43ha nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước chính thức rơi vào tay tư nhân.
Một mánh lới thứ hai cũng cần nhận diện, kịp thời bịt lỗ hổng, đó là sự hợp thức hóa việc việc giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá, lợi dụng để trục lợi, làm thất thoát tài sản của nhà nước. Chưa hết, đó có thể còn là thủ thuật bằng cách nào đó để việc tổ chức đấu giá thực hiện nhiều lần nhưng không có đơn vị, doanh nghiệp nào đăng ký tham gia đấu giá, sau đó giao cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá. Một dạng vi phạm nữa là cố tình áp giá trái quy định giúp doanh nghiệp hưởng lợi trái luật…
Trong hầu hết các vụ án đều cho thấy, dù nắm rõ quy định pháp luật về việc xác định giá đất khi giao đất phải đảm bảo nguyên tắc định giá đất theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường… Nhưng trong nhiều vụ án họ đã cố tình áp giá không đúng để cùng hưởng lợi.
Vẫn còn rất nhiều thủ đoạn khác nhau ở một số vụ án làm thất thoát tài sản của nhà nước về đất đai, thay nhận diện bất cập, kiến nghị hoàn thiện chính sách, bịt lỗ hổng, một số cá nhân, cán bộ, lãnh đạo lại xem đó là cơ hội để cấu kết, trục lợi từ đất dẫn tới tù tội vì đất.
Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Vì vậy, theo Tổng Bí thư, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Đồng thời bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nguyễn Đăng Tấn