Lại thêm một câu chuyện thương tâm nữa vừa xảy ra: Một bé gái 2 tuổi rơi từ phòng ngủ tầng 24 ở một chung cư tại Hà Nội. Liệu chúng ta còn phải đau lòng bao nhiêu bận nữa đây để mọi cha mẹ đều biết sinh con là mình bắt đầu phải bật chốt an toàn? Làm sao để đừng mất con rồi mới nhìn ra những thứ thiếu an toàn xung quanh mình?
Như mọi lần trước, những ngày này nhà tôi luôn được nhận điện thoại hỏi làm rèm có lắp lưới an toàn không? Hàng chục khách hàng làm rèm nhà tôi đều hỏi câu này.
Nó giống hệt như khi mạng xã hội, báo chí rộ lên chuyện xâm hại thì cuốn sách 30 ngày cùng con học hiểu về phòng chống xâm hại tình dục lại liên tục cháy hàng, hay búa phá kính bán chạy khi có em nhỏ tử vong do bị nhốt trong xe vậy. Dường như các bậc cha mẹ chỉ luôn bật chốt an toàn bảo vệ con mình sau khi vụ việc xảy ra sự đã rồi vậy.
Bé gái 3 tuổi bị rơi từ tầng 12 xuống đất nhưng may mắn được cứu sống. Ảnh minh hoạ |
Không phải tôi đang trách các bậc làm cha làm mẹ đâu. Bởi tôi cũng làm cha, tôi cũng chẳng khác gì họ cả. Chúng ta luôn không được ai dạy về những mối nguy hiểm thường trực quanh lũ trẻ của chúng ta. Chúng ta chỉ biết đến nó sau khi báo chí lên tiếng, sự việc đáng tiếc xảy ra.
Nếu không đọc báo, không lên mạng, chúng ta vẫn cứ nghĩ rằng con cái của chúng ta an toàn tuyệt đối. Càng đọc nhiều chúng ta càng sợ hãi nhiều. Từ việc con chết ngạt vì bố mẹ vô tình đè phải con lúc ngủ, đến việc con đeo bao tay bị sợi chỉ trong bao tay làm hoại tử ngón tay con.
Lớn hơn thì trẻ tử vong do đuối nước, điện giật, ngã vào vật sắc nhọn, ngộ độc vì những món đồ chơi trước cổng trường, bị tai nạn xe cộ, bị bắt cóc, bị xâm hại, bị bạo lực học đường... Nhìn đâu cũng thấy trập trùng hiểm hoạ, làm cha mẹ nào cũng rụng rời lo âu.
Phải thế mà nhiều phụ huynh vẫn inbox cho tôi mỗi ngày hỏi về đủ mọi điều hiểm hoạ rình rập con cái họ. Bé thì là những tai nạn do bất cẩn, lớn thì tai nạn do môi trường xã hội. Đến cả những đứa trẻ tưởng chừng đã biết tự vệ ngoài đời thì cũng lại sập bẫy với đủ thứ hiểm hoạ tiềm tàng trên mạng.
Nhưng quả thực, càng biết nhiều, cha mẹ càng được trang bị (nhắc nhở) nhiều kiến thức bảo vệ con hơn. Con an toàn hơn. Chỉ là chúng ta phải “tốn” quá nhiều sinh mạng trẻ bởi sự bất cẩn của người lớn. Dù học được thêm bài học cho các bậc làm cha làm mẹ khác nhưng vẫn không khỏi đau lòng. Tại sao cứ phải chờ đến lúc xảy ra rồi chúng ta mới cuống lên tìm cách? Liệu chúng ta có thể phòng ngừa từ xa hay chí ít là chuẩn bị sẵn sàng?
Tôi cứ nghĩ mãi. Rằng tại sao khi ta mua ô tô, xe máy, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hoà.... cái nào cũng đính kèm quyển "hướng dẫn sử dụng. Mà những phụ nữ sinh con, những người đàn ông lần đầu làm cha, chẳng ai có được cuốn hướng dẫn trong quá trình làm cha làm mẹ? Có nhiều cuốn sách đang bán ngoài kia sao chỉ toàn những cuốn dạy con trở thành thiên tài, làm mẹ kiểu Do Thái, kiểu Mỹ, kiểu Nhật? Hay rợp trời những cuốn dạy trẻ những chữ tiếng Anh đầu đời, dạy trẻ phát triển IQ- EQ. Sách an toàn cho con có bao nhiêu phụ huynh chịu mua và chịu đọc? Chịu mua đã ít chịu đọc càng ít hơn.
Có bao nhiêu cha mẹ vẫn cho rằng ta đây đầy mình kiến thức rồi? Như người mẹ để con ở phòng ngủ, cứ nghĩ con đang ngủ là con an toàn mà quên rằng nhà vừa thuê được ít hôm, cửa sổ phòng ngủ vẫn đang chưa lắp lưới an toàn? Có bao nhiêu cha mẹ chỉ lơ đễnh một chút, ngồi comment một bài viết, thả haha một cái ảnh, like dạo vài status mà con đã gặp tai nạn.
Tôi đã từng chứng kiến những đứa trẻ lớn lên giữa trập trùng nguy hiểm. Như ở tầng cao nhà chung cư mà không lắp lưới an toàn, ỷ lại chiều cao lan can nhưng lại bày rõ lắm bàn ghế, đôn bục ngoài ban công như mời gọi lũ trẻ nghịch ngợm trèo lên, đu lên.
Như nhà sát đường quốc lộ nhưng vô tư cho đến khi con bò ra giữa đường. Như những góc nhọn của bàn, của ghế, của tay nắm cửa. Như bếp gần chỗ ngồi của trẻ.... Rất nhiều và rất nhiều. Cha mẹ nào cũng tự tin mình cẩn thận, để mắt đến trẻ. Nhưng 24/7 làm sao để mắt được? Nên cần lắm cha mẹ phải để tâm. Là để tâm đến tất thảy những hiểm nguy có thể xảy ra với con mình. Để tâm mà làm cho không gian của con luôn là không gian an toàn nhất. An toàn đến độ cha mẹ không có mặt cũng phải đủ yên tâm.
Để làm được sự để tâm đó, cha mẹ hãy bắt đầu công cuộc bật chốt an toàn theo sự phát triển của con. Đọc nhiều hơn những kiến thức. Trang bị nhiều hơn cho bản thân những kỹ năng cũng như phòng ngừa từ xa. Để không gian của con phải là không gian an toàn nhất. Đừng chỉ để mắt - xin hãy để tâm là vậy. Bởi sách vở luôn đi sau đời sống thực tế. Nên để tâm mới là thứ giúp ta nhìn thấy tương lai, phòng ngừa từ xa, từ trước những gì có thể xảy ra với con mình. Là đặt an toàn của con lên trước nhất. Mà muốn thế, cha mẹ phải nghĩ thế trước nhất.
Không chỉ là chuyện những đứa trẻ ngã từ tầng cao mà hãy giật mình ngay cả khi cha mẹ đang ở tầng thấp. Đừng nói “may quá mình ở nhà mặt đất” mà hãy biết lo cho sự an toàn của con mình dù ở bất cứ đâu. Với mỗi độ tuổi, lại một loạt những lo toan. Giải quyết những mối lo bằng kiến thức. Thời đại của Internet, của hàng trăm cuốn sách mua bản quyền phát hành song song với thế giới, cha mẹ nào cũng có thể trang bị cho mình kiến thức làm cha mẹ tốt hơn cha mẹ chúng ta. Chỉ là các cha mẹ có làm không, làm ngay và luôn không? Hay chờ thêm vài vụ đau lòng nữa rồi mới sốt sắng đi làm...
Cuối cùng, tôi vẫn cho rằng các bậc cha mẹ cần lắm, với mỗi đứa con của mình sinh ra, là một lần tự viết cho bản thân một cuốn Hướng Dẫn Bảo Vệ Con An Toàn.
Hoàng Anh Tú
Vụ bé rơi từ tầng 12A: Ở chung cư cần lưu ý điều này để con trẻ an toàn
Để đảm bảo an toàn cho con trẻ khi sống tại các căn hộ, chung cư cao tầng, phụ huynh nên chọn thiết kế ban công đạt chiều cao tối thiểu 1,4 m, cửa sổ làm song, lưới chắn an toàn…