Theo Insider, kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, Mỹ và các nước phương Tây đã cam kết viện trợ gần 60 tỷ USD vũ khí cho Ukraine, bao gồm xe tăng, pháo tự hành và đạn dược. Dù một số khí tài phương Tây đã chứng minh được hiệu quả thực tế, hiện còn rất nhiều vũ khí hạng nặng vẫn chưa thể triển khai tới tiền tuyến.
Nguồn tin của Insider cho biết, Kiev đang gặp nhiều khó khăn trong công tác hậu cần, khiến cho quá trình vận chuyển và bàn giao vũ khí cho từng đơn vị cụ thể bị đình trệ. Theo ông Michael Kofman - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ), Ukraine đang gặp vấn đề trong việc phân bổ nguồn lực nội bộ.
"Khó khăn của quân đội Ukraine tới từ vấn đề hậu cần. Số lượng vũ khí phương Tây đổ vào Ukraine là không nhỏ, nhưng tất cả các đơn vị của nước này đều muốn sở hữu chúng. Việc này dẫn tới nhiều khó khăn trong việc phân bổ viện trợ cho các lực lượng chiến đấu", ông Kofman nói.
Cũng theo chuyên gia Mỹ, việc không thể sử dụng máy bay quân sự và trực thăng cũng khiến cho việc vận chuyển vũ khí của Ukraine trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Một vấn đề khác liên quan tới vận hành các vũ khí phương Tây là sự thay đổi liên tục bên trong các lực lượng Ukraine. Vào tháng 7/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói rằng đã có hơn 130.000 người tình nguyện nhập ngũ sau khi cuộc xung đột nổ ra.
Sự xuất hiện của một lượng lớn tân binh đã vô tình tạo ra nhiều vấn đề trong việc trang bị cho các đơn vị mới và hỗ trợ các đơn vị đã sẵn sàng chiến đấu. Hiện Kiev vẫn đều đặn gửi các lực lượng quân sự mới tới Mỹ và châu Âu để tham gia các khóa huấn luyện, nhưng quá trình này tiêu tốn rất nhiều thời gian.
Một ví dụ tiêu biểu cho vấn đề này là việc các xe tăng chiến đấu chủ lực của châu Âu vẫn chưa thể hiện được gì nhiều trên tiền tuyến. Trên thực tế, sự hiệu quả của các xe tăng hiện đại tới từ hệ thống điện tử của chúng, không phải những vũ khí để lộ ra bên ngoài. Để tận dụng hết tiềm năng của các chiến xa, binh lính Ukraine cần một thời gian huấn luyện tương đối dài.