Ông là Lê Xuân Năm (SN 1952), trú thôn Đông Anh Vinh, xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Ông Năm kể, từ thời ông cố đã có sở thích sưu tầm đồ cổ, và các thế hệ sau như bố ông, rồi đến ông tiếp nối. Các thế hệ của gia đình ông sưu tầm đồ cổ không phải để buôn bán, mà chỉ là muốn lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử cho con cháu.
Mặc dù sở hữu hàng trăm loại cổ vật, nhưng người dân địa phương không gọi ông là Năm “cổ vật” mà thường gọi ông với cái tên Năm “bò”.
“Sở dĩ tôi có tên Năm "bò", bởi tôi làm nghề buôn bán bò. Cứ bán bò xong tôi lại dành dụm đi mua đồ cổ về trưng bày”, ông Năm chia sẻ.
Những loại đồ cổ này ông Năm sưu tầm lại từ người dân có giá trị rất rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đồng, cái đắt nhất là hơn 1 triệu đồng.
Trong số những đồ cổ của ông Năm, có nhiều người đã đến hỏi mua một số đồ vật với giá hơn tỷ đồng, tuy nhiên ông Năm không bán.
Chia sẻ về ý tưởng làm bản đồ Việt Nam bằng những đĩa cổ, ông Năm cho biết, ông muốn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước trong chính ngôi nhà của mình qua tấm bản đồ Việt Nam.
Năm 2018, ông Năm tự lên ý tưởng và thuê thợ về thi công phác thảo hình ảnh bản đồ Việt Nam trên bức tường nhà với diện tích khoảng 20m2. Toàn bộ bức tranh của ông được bài trí 365 chiếc đĩa cổ thời Nguyễn (tượng trưng cho 365 ngày), riêng tấm bản đồ ông sử dụng hơn 200 chiếc.
Trên tấm bản đồ, khu vực Thủ đô Hà Nội có hình ảnh chùa Một Cột, còn trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh được ốp hình bến cảng Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được đắp rất tỉ mỉ và nổi bật.
Một số hình ảnh tấm bản đồ Việt Nam bằng đĩa cổ của ông Năm.