Những bộ sách giấy đồ sộ khái quát, hệ thống kiến thức ngày càng phổ biến trong thị trường sách Việt. Cuốn sách Tâm lý học nằm trong Bộ sách Khái lược những tư tưởng lớn (Big Idea Simply Explained) do Đông A mua bản quyền và phát hành mang đến cho độc giả góc nhìn tổng quát, thông qua các trang sách tóm lược về các tư tưởng, quan niệm của các nhà tâm lý, nhà nghiên cứu; xu hướng, trào lưu và nhóm ngành nghiên cứu nhằm chỉ ra các vấn đề thuộc về đời sống tinh thần của con người từ đầu thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ đến nay.
Cuốn sách gồm 7 phần cùng phụ lục, thuật ngữ, chỉ mục dành cho ai quan tâm đến tâm lý học hay bắt đầu tìm hiểu các vấn đề của thế giới bên trong, đồng thời chỉ ra hành trình nghiên cứu thú vị về con người. Ở đầu mỗi phần, tiến trình được thể hiện khoa học thông qua các sơ đồ tư duy.
Phần 1: Những cội rễ triết học tâm lý học trên tiến trình hình thành giới thiệu 14 quan niệm của các triết gia giai đoạn 1649 - 1895, cho thấy tiến trình phát triển của tâm lý học. Qua đó, người đọc nắm được một vài từ khoá liên quan đến tâm lý con người.
Các quan niệm dừng lại ở mức đưa ra vấn đề, tóm lược bằng sơ đồ tư duy và khái quát cuộc đời của tác giả như: Hãy là chính mình tiếp cận cái tôi từ hướng Chủ nghĩa hiện sinh của Soren Kierkegaard; 24 giờ sau khi học thứ gì đó, chúng ta quên mất hai phần ba của Hermann Ebbinghaus xoay quanh các nghiên cứu về trí nhớ con người; tiếp cận khoa học thần kinh thông qua quan niệm “Vô thức nhìn con người sau những tấm màn che của Pierre Janet... và nhiều quan niệm khác.
Phần 2: Thuyết hành vi phản ứng lại với môi trường của chúng ta vẽ lại hành trình trưởng thành của Tâm lý học khi đã tách ra so với cội nguồn triết học từ giai đoạn 1872 - 1960, biểu hiện chính là nhiều phòng thí nghiệm, khoa nghiên cứu đã xuất hiện cả ở Châu Âu lẫn Hoa Kỳ. Các nghiên cứu tâm lý học có sự chuyển dịch rõ rệt khi chuyển từ đối tượng “tâm trí” sang “hành vi” con người.
10 quan niệm, 10 hướng tiếp cận được tóm tắt ngắn gọn, khoa học, tiêu biểu như: Không có gì tự nhiên hơn mèo “yêu” chuột của Quách Nhậm Viễn từ hướng tiếp cận Điều kiện hóa cổ điển; Thứ được in vết không thể bỏ quên nghiên cứu về các vấn đề thuộc về tập tính của con người của Konrad Lorenz; Hướng tiếp cận chuyên sâu Ức chế đối ứng của Joseph Wolpe mở ra mối bận tâm về hiện tượng “Ngưng nghĩ về cảnh tượng và thư giãn”.
Phần 3: Liệu pháp tâm lý vô thức quyết định hành vi mang đến cho độc giả các vấn đề nghiên cứu hiện đại từ khi các học thuyết của Sigmund Freud ra đời cùng các liệu pháp tâm lý mới. Liệu pháp tâm lý nhận thức ngày càng phổ biến trong giới trị lúc đương thời (giai đoạn 1895 - 1967).
Độc giả sẽ được tiếp cận 22 hướng tiếp cận cùng các quan niệm nổi bật về tâm lý con người trong giai đoạn thế chiến thứ nhất và thứ hai. Vô thức là thực tại tinh thần thật sự của Sigmund Freud đã mở ra một trường phái nghiên cứu tâm lý nổi bật trong thế kỷ 20. Đó là Phân tâm học. Sau này, học trò của ông là Carl Jung đã phát triển và nghiên cứu sâu theo hướng Vô thức tập thể được tạo nên từ các cỗ mẫu. Hay Alfred Adler tiếp cận tâm lý con người từ hướng tiếp cận Tâm lý học cá nhân đã ảnh hưởng đến rất nhiều nhà nghiên cứu khắp nơi trên thế giới Người nhiễu tâm luôn có mặc cảm tự ti.
Sigmund Freud, Carl Jung, Alfred Adler là ba trụ cột của ngành Tâm lý học của Phương Tây vào thế kỷ 20.
Phần 4: Tâm lý học nhận thức bộ não tính toán giai đoạn từ 1885 - 2001 chỉ ra hai hướng nghiên cứu nổi bật nhất thế kỷ 20. Các nhà tâm lý tập trung vào Thuyết hành vi (lý thuyết học tập) và Phân tâm học (vô thức và sự phát triển thời thơ ấu). Khi máy tính, công nghệ dần phát triển, con người rơi vào các vấn đề nhận thức nhiều hơn do tốc độ thông tin truyền tải nhanh. Hướng nghiên cứu tập trung vào “quá trình nhận thức” của con người.
Một số nhà tâm lý và nhà nghiên cứu nổi tiếng có thể kể đến trong giai đoạn này là Wolfgang Kohler với hướng tiếp cận Tâm lý học Gestalt thông qua chủ đề Bản năng là một khuôn mẫu linh động; Số bảy thần kỳ, cộng hoặc trừ hai của George Armitage Miller với đối tượng nghiên cứu là trí nhớ con người. Ông chỉ ra bảy đơn vị thông tin mà hệ thống có thể truyền tải được trong bộ não của con người; Cùng chung hướng tiếp cận Trí nhớ con người, Endel Tulving khám phá vấn đề Mũi tên thời gian được bẻ cong thành một vòng lặp với ba loại trí nhớ: Trí nhớ ngữ nghĩa, Trí nhớ phân đoạn, Trí nhớ thao tác.
Phần 5: Tâm lý học xã hội sống trong thế giới của những người khác từ giai đoạn 1917 - 1994 bên cạnh đi sâu vào khám phá tâm trí, hành vi con người mà chuyển qua hướng nghiên cứu về môi trường tác động thế nào đến việc hình thành các vấn đề tâm lý. Môi trường xã hội trở thành đối tượng nghiên cứu được nhiều nhà tâm lý lựa chọn, đồng thời ứng dụng vào trị liệu tâm lý.
Tiếp cận tâm lý con người từ hướng Quản lý ấn tượng, Erving Goffman cho rằng Cuộc đời rất giống sân khấu kịch và các tương tác xã hội chẳng khác gì một vở kịch trên sân khấu. Chúng ta luôn muốn tạo ấn tượng tốt đẹp trong tâm trí người khác từ kịch bản, bối cảnh, phục trang, kỹ năng và đạo cụ. Hay Janet Taylor Spence với hướng tiếp cận nghiên cứu giới đã đặt một câu giả thuyết thú vị Ai thích phụ nữ tài giỏi? thay vì các vấn đề về lo âu. Sang chấn cần được hiểu trong mối liên hệ giữa cá nhân với xã hội được Ignacio Martín-Baro tiếp cận theo hướng Tâm lý học khai phóng với quan niệm các sang chấn ảnh do môi trường chính trị xã hội tạo nên.
Phần 6: Tâm lý học phát triển từ trẻ sơ sinh đến người lớn cho thấy tiến trình phát triển của tâm lý học gắn liền với tiến trình phát triển của một người từ lúc sinh ra cho đến khi trường thành, đồng thời, người trực tiếp chăm sóc trẻ sơ sinh có tác động lớn đến quá trình phát triển và hình thành tính cách con người. Giai đoạn 1915 - 1995, hướng tiếp cận này được nhiều nhà tâm lý, nhà nghiên cứu quan, đặc biệt là sau làn sóng dân quyền và nữ quyền ở Tây Phương.
Một vài tác giả tiêu biểu trong hướng nghiên cứu tâm lý con người này có thể kể đến là Lev Vygotsky với hướng tiếp cận Thuyết kiến tạo xã hội thông qua quan điểm Chúng ta trở thành chính mình thông qua người khác; Eleanor E. Maccoby chỉ ra Con gái thường đạt thành tích học tập tốt hơn con trai từ hướng tiếp cận Tâm lý học nữ quyền; Tự kỉ là một hình thức cực đoan của não bộ theo kiểu nam giới từ hướng tiếp cận Thuyết tâm trí (Simon Baron-Cohen)...
Trong phần này, cuốn sách còn giới thiệu tóm lược hướng tiếp cận và tiểu sử của 15 nhà tâm lý nổi bật giai đoạn này.
Phần 7: Tâm lý học khác biệt nhân cách và trí tuệ là phần cuối nêu bật các vấn đề xoay quanh nhân cách, trí tuệ và cảm xúc con người. Từ năm thập niên 70 của thế kỷ 19 đến thập niên 90 của thế kỷ 20, các nhà khoa học xác nhận tâm trí và hành vi của mỗi người khác nhau. Vì thế, trên tiến trình phát triển sẽ tạo ra tính cá nhân. Tính cá nhân này bị chi phối bởi nhân cách và trí tuệ thông qua môi trường trưởng thành, quá trình học tập - rèn luyện.
9 hướng tiếp cận, 9 quan niệm được đề cập trong cuốn sách này có thể kể đến là Hãy liệt kê mọi cách sử dụng một cái tâm của J.P.Guilford qua hướng tiếp cận Tâm trắc học trí tuệ tập trung vào nghiên cứu khả năng giải quyết vấn đề của con người; Hans J. Eyesenck từ hướng tiếp cận Nhân cách đã chỉ ra Mối liên quan giữa sự mất trí và thiên tài thu hút nhiều độc giả và giới nghiên cứu quan tâm; Ba bộ mặt của Eve của Thigpen & Cleckley tập trung vào chứng rối loạn tâm thần con người.
Nhìn chung, tiến trình phát triển Tâm lý học cho thấy quá trình phát triển và ngày càng chạm sâu hơn đến các vấn đề về thế giới tinh thần của con người. Ngày càng xuất hiện nhiều hướng tiếp cận khác nhau nhằm kịp thời tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề tâm lý trong thời đại biến động như hiện nay.
Giảng viên Lưu Thuỷ