Lãnh đạo và cầm quyền
Lãnh đạo là quá trình các chủ thể (cá nhân, tổ chức) gây ảnh hưởng đến người khác để đạt được mục đích chung. Vai trò lãnh đạo thể hiện thông qua khả năng tập hợp và dẫn dắt các lực lượng ủng hộ, kiến tạo và duy trì nỗ lực tập thể nhằm đạt được hay hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo mà họ cùng chia sẻ.
Về bản chất, lãnh đạo là quá trình tạo ra sự thay đổi tích cực hơn so với trạng thái hiện tại. Để đạt được sự thay đổi đó, chủ thể lãnh đạo phải đề ra phương hướng, cụ thể hóa thành các tầm nhìn lãnh đạo và các chiến lược hành động. Đồng thời, các chủ thể lãnh đạo cũng phải tập hợp được sự ủng hộ, truyền cảm hứng cho những lực lượng ủng hộ, gắn kết và duy trì sự ủng hộ của họ cho tầm nhìn lãnh đạo.
Trong khi đó, “cầm quyền” đề cập đến việc các chủ thể nắm giữ quyền lực công, nguồn lực công, và các phương tiện công quyền để triển khai hành động nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể theo kế hoạch đã đề ra. Chức năng cầm quyền thể hiện qua việc ban hành và thực thi các quyết định tập thể (chính sách). Các hoạt động cầm quyền cụ thể như: lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, bố trí nhân sự, phân công nhiệm vụ, đồng thời sớm phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi chính sách.
Nếu lãnh đạo thiên về sử dụng “quyền lực mềm”, tức là sức mạnh dựa trên sự thuyết phục và truyền cảm hứng, thì cầm quyền có thêm ưu thế về sử dụng “quyền lực cứng”, tức là sức mạnh mang tính cưỡng ép. Nếu đích đến của lãnh đạo là phải tạo ra được sự thay đổi tích cực hơn so với hiện tại thì yêu cầu then chốt với cầm quyền là phải duy trì được trật tự và sự nhất quán trong hành động nhằm thực hiện bằng được các kế hoạch đã đề ra.
Như vậy, “cầm quyền” không tách rời “lãnh đạo”, mà là một cấu phần của chức năng và vai trò lãnh đạo. “Cầm quyền” thành công sẽ củng cố vai trò lãnh đạo. Ngược lại, nếu cầm quyền kém hiệu quả hoặc thất bại sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo.
Từ góc nhìn nêu trên, Đảng Cộng Sản Việt Nam đảm nhiệm vai trò lãnh đạo từ ngày thành lập cho đến trước Cách mạng tháng 8/1945. Sau Cách mạng tháng 8/1945 đến nay, Đảng đảm nhiệm cả hai vai trò: lãnh đạo và cầm quyền.
Vị thế của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Nhìn suốt chiều dài 93 năm hình thành và phát triển có thể thấy nhờ theo đuổi những giá trị phổ quát, thiết lập được những tầm nhìn lãnh đạo đúng đắn, đáp ứng đúng mong đợi của đông đảo nhân dân trong từng thời kỳ mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có thể thu hút được sự ủng hộ chính trị của nhiều lực lượng, cả trong nước và quốc tế. Những thành công lãnh đạo gắn với từng giai đoạn lịch sử đã từng bước khẳng định, vun đắp vị thế và vai trò nổi bật, vững chắc của Đảng trong sứ mệnh lãnh đạo tiến trình vận động và phát triển của đất nước.
Ngay tại Hội nghị thành lập Đảng vào năm 1930, Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xác định phương hướng cho sự thay đổi mà Đảng phát động và lãnh đạo là xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến, giành lại nền độc lập cho đất nước và tự do cho nhân dân. “Sách lược vắn tắt”, “Chánh cương vắn tắt” xác định sứ mệnh chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam không chỉ bó hẹp trong phạm vi các lợi ích của giai cấp công nhân. Thay vào đó, Đảng Cộng Sản Việt Nam hướng đến giành lại các quyền và bảo vệ lợi ích cho mọi giai cấp, tầng lớp xã hội, đặc biệt là giai cấp nông dân vốn chiếm đa số trong cơ cấu dân số thời kỳ đó, và cả dân tộc.
Khi bối cảnh đất nước thay đổi thì Đảng cũng đã nhanh chóng điều chỉnh và xác định các chủ trương chính trị, tầm nhìn lãnh đạo đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân trong từng giai đoạn.
Trước hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt thành hai miền, Đại hội Đảng lần thứ III vào năm 1960 đã xác định “thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước” là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta.
Năm 1986, trước nguy cơ đất nước rơi vào khủng hoảng toàn diện, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là điểm tựa cho tiến trình đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, hướng đến thịnh vượng. Nhờ đáp ứng đúng mong đợi của mọi tầng lớp nhân dân, Đảng đã lãnh đạo thành công tiến trình thống nhất đất nước và sau hơn 35 năm đổi mới đã đưa Việt Nam trở thành một “câu chuyện thành công” được quốc tế ghi nhận.
Sự gắn kết chặt chẽ giữa sứ mệnh chính trị, chủ trương chiến lược, tầm nhìn lãnh đạo của Đảng với khát vọng của số đông người dân đã tạo ra sự khác biệt cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, phân biệt Đảng Cộng Sản Việt Nam với các Đảng chính trị ở các nước phát triển.
Những mục tiêu chính trị mà Đảng Cộng Sản Việt Nam tuyên bố và theo đuổi từ năm 1930 đến nay đã khẳng định Đảng đại diện cho lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, đại biểu trung thành cho lợi ích của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng Sản Việt Nam theo đuổi những giá trị, những lợi ích của nhân dân, của dân tộc, chứ không phải các lợi ích phe, nhóm như Đảng chính trị tại các nước phát triển.
Hai thách thức lãnh đạo
Bài học từ lịch sử cho thấy kiên định, nhất quán, và đồng hành cùng với khát vọng của nhân dân, lợi ích của dân tộc chính là cơ sở cho vị thế và vai trò lãnh đạo vững chắc của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Gắn kết chặt chẽ với lợi ích của nhân dân, của dân tộc cũng chính là điều kiện then chốt để Đảng giữ vững bản chất đã được xác quyết từ ngày thành lập.
Bối cảnh trong nước và quốc tế đầu thế kỷ 21 đang đặt ra những thách thức mới cho vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra tầm nhìn lãnh đạo: đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành “nước phát triển và có thu nhập cao”. Sự thay đổi tích cực này hẳn nhiên đáp ứng khát vọng của nhân dân Việt Nam nhưng cũng sẽ là một thách thức lãnh đạo rất lớn với Đảng trong thời gian tới.
Từ góc độ lãnh đạo và cầm quyền, có thể thấy hai thách thức lớn nhất đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng quốc gia phát triển trong hơn hai thập kỷ tới.
Thứ nhất, với vai trò lãnh đạo là thu hút và vun đắp sự ủng hộ của quảng đại quần chúng nhân dân cho tầm nhìn lãnh đạo. Điều kiện tiên quyết cho thành công lãnh đạo chính là sự ủng hộ của các lực lượng trong xã hội, điều đã được Đảng đặc biệt coi trọng và xác định là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm ngay từ Đại hội lần thứ nhất vào năm 1935.
Thứ hai, với vai trò cầm quyền là thực hiện quản trị quốc gia tốt. Theo đó, Đảng cần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa cấu trúc quản trị quốc gia nhằm gia tăng hiệu lực, hiệu quả của việc ban hành và thực thi chính sách. Những chính sách tốt sẽ chứng minh năng lực cầm quyền của Đảng với bằng chứng là sự thay đổi tích cực cho các nhóm xã hội cụ thể, qua đó góp phần vào sự thay đổi chung của đất nước.
TS. Nguyễn Văn Đáng