Nâng cao năng lực dự báo
Cuối tuần trước, Chính phủ đã ban hành một hành lang điều hành kinh tế xã hội cho năm 2023 bằng nghị Nghị quyết 01/NQ-CP. Một trong những điểm quan trọng trong đó là nâng cao năng lực phân tích, dự báo.
Nghị quyết yêu cầu cần chủ động đối với mọi tình huống, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh.
Như vậy, năng lực phân tích, dự báo đã được tiếp thu vào Nghị quyết của Chính phủ sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 tổ chức trước đó.
Tổng Bí thư yêu cầu: “Cần bổ sung thêm bài học mới, cụ thể của năm nay, gọi là bài học thứ 4”. Ông nói, đó là nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo; chủ động, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình; kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; thích ứng linh hoạt với các tình huống mới phát sinh…
Rõ ràng, bài học về dự báo rất cần thiết sau những diễn biến đầy khó khăn trong kinh tế - xã hội mà phản ứng chính sách lại chưa theo kịp trong năm hậu Covid 2022. Nếu năng lực dự báo không được cải thiện sẽ rất khó nâng cao chất lượng phản ứng chính sách, hay nói cách khác, năng lực quản lý không theo kịp đòi hỏi của thực tiễn.
Nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ
Trước hết, cần nhìn nhận những tác động mang tính chủ quan do các yếu tố bên ngoài mang lại. Trong Nghị quyết 01 cho năm 2022 cách đây một năm, không có dòng nào dự báo về những khó khăn bên ngoài.
Cuộc xung đột quân sự tại Nga - Ucraina; lạm phát toàn cầu cao, cùng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài và tỷ giá biến động mạnh tại nhiều quốc gia, khu vực, càng làm trầm trọng hơn và tác động mạnh, trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động, việc làm trong nhiều ngành, lĩnh vực. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực trên toàn cầu gia tăng.
Tình hình các nước lớn chuyển dịch rất nhanh, từ tăng trưởng kinh tế cao năm 2021 sang tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy giảm nhẹ trong quý I, quý II và đối mặt với nguy cơ suy thoái năm 2022 tại Mỹ, EU, Trung Quốc; từ ổn định sang nguy cơ mất ổn định, thiếu hụt nguồn cung, giá năng lượng tăng cao tại Mỹ, EU.
Mỹ, EU và nhiều nước lớn chuyển từ nới lỏng trong năm 2020, 2021 sang thắt chặt, tăng lãi suất với tần suất, mức độ khác nhau trong năm 2022 và chưa có điểm dừng để kiềm chế lạm phát; trong khi Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, hạ lãi suất để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Phải đến khi tổng kết năm 2022, Chính phủ mới nhìn nhận rõ ràng về điều này: nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo… Đây là những vấn đề rất khó dự báo, có những vấn đề không thể dự báo trong công tác xây dựng, điều hành, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022, có ảnh hưởng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức đến đà tăng trưởng, phục hồi kinh tế, ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nước ta.
Rút kinh nghiệm điều hành
Ở góc độ chủ quan, có những hệ luỵ lớn trong nền kinh tế trong đó không ít bắt nguồn từ năng lực dự báo.
Lạm phát là một ví dụ. Tính chung cả năm 2022, CPI chỉ tăng 3,15% so với năm 2021, thấp hơn so với mục tiêu 4% do Quốc hội đặt ra. Đã có nhiều nhà kinh tế phân tích, lạm phát của Việt Nam năm nay khó tăng cao do sức mua của người dân còn rất yếu sau hai năm đại dịch.
Hơn nữa, lạm phát chủ yếu được nhập khẩu qua khu vực FDI vốn tách biệt khỏi nền kinh tế rồi lại xuất khẩu đi. Nếu lo ngại lạm phát quá, các chính sách tiền tệ và tài khoá sẽ không tương thích với nền kinh tế đang cần tiếp sức, cần “máu” sau thời kỳ ngủ đông kéo dài.
Tuy nhiên, các nhà điều hành đã lo ngại lạm phát quá đi. Thiếu tín dụng, mất thanh khoản trở thành một trong những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều lần phải tìm “điểm cân bằng” giữa tăng trưởng và lạm phát. Đúng là khi các số liệu thống kê mà không sát thì rất khó điều hành.
Năm 2022 cũng chứng kiến sự hoảng sợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau khi Nghị định 65 được ban hành, siết chặt một số quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp so với Nghị định 153.
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp chỉ đạt hơn 200 ngàn tỷ đồng, hay chỉ hơn 50% dự kiến. Chỉ vài tháng sau khi ban hành, Nghị định đó lại phải được sửa đổi nhằm tháo gỡ cho thị trường.
Chính phủ đã lường được hoàn cảnh rất đáng quan tâm hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đã yêu cầu "không để mất an toàn hệ thống thị trường vốn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự" trong Nghị quyết 01.
Năng lực điều hành giá xăng dầu và phản ứng chính sách chậm chạp rõ ràng là bài học cần rút ra để không lặp lại.
Kinh nghiệm đó cần sớm được tiếp tục rút ra trong điều hành giá điện sau 4 năm giá điện không tăng, làm lỗ luỹ kế có thể lên tới 81 nghìn tỷ đồng trong năm nay.
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Hiện nay, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn thách thức gay gắt, mới xuất hiện từ giữa tháng 10/2022 đến nay.
Thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp diễn biến rất phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn gặp không ít khó khăn. Lãi suất ngân hàng tăng cao, sức ép lạm phát còn lớn.
Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.
Những lĩnh vực trên và còn hơn nữa đang đòi hỏi năng lực phân tích, dự báo để có các quyết sách nhanh, phù hợp. Điều đó lại phụ thuộc vào bộ máy quản lý nhà nước đang nhiều tâm tư, không ít nơi “né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; cái gì có lợi kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; cái gì khó khăn đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác”.
Có lẽ, cần sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hay ít nhất tạo được sand box để bảo vệ họ.
Tới đây, công cuộc chống tham nhũng sẽ tiếp tục ở cấp độ cao hơn như Tổng Bí thư nói tại Hội nghị Chính phủ và các địa phương mới đây: “Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng". Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”.
Tư Giang