Gian nan hành trình mang thai ba
Lưu Hồng Phụng (27 tuổi, quê Sóc Trăng) lấy chồng và về làm dâu ở Cà Mau. Phụng vừa trải qua một thai kỳ hạnh phúc xen lẫn lo lắng. Hiện tại, cô có thể thở phào nhẹ nhõm khi 3 thiên thần đã chào đời an toàn và khỏe mạnh.
Trước đó, Phụng chưa từng hình dung ngay lần đầu làm mẹ đã phải đối mặt với thách thức mang thai 3.
Hơn 1 năm trước, cô phát hiện cơ thể có nhiều điểm bất thường nên sử dụng que thử thai. Que báo kết quả 2 vạch khiến vợ chồng cô hạnh phúc, vội vàng đến bệnh viện thăm khám.
Do Phụng phát hiện mang thai sớm, nên túi thai chưa kịp làm tổ trong lòng tử cung. Tuần kế tiếp, cô tái khám và vui sướng khi thấy 1 túi thai bé xíu. Lần lượt 2 tuần tiếp theo, vợ chồng Phụng đón nhận tin có thêm 2 túi thai mới.
Cả hai đi từ ngạc nhiên này sang bất ngờ khác.
Phụng kể trong chương trình Tâm sự mẹ bỉm sữa: “Lúc biết vợ mang song thai, chồng tôi òa khóc, vội vàng khoe với gia đình. Khi biết tôi mang tam thai, anh sốc đến mức đứng hình, hoang mang. Anh báo tin nhưng mẹ chồng tôi không tin.
Vì vậy, chúng tôi phải chụp ảnh siêu âm gửi cho bà. Mẹ chồng tôi vui lắm, nhưng bà cũng như chúng tôi bắt đầu lo lắng về các nguy cơ có thể xảy ra khi mang thai 3”.
Đúng như dự đoán của bác sĩ, Phụng trải qua thai kỳ ra vào bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Ba tháng đầu, cô bị nghén đến mức không thể ăn uống, phải truyền dịch liên tục.
Tuy nhiên, sau 3 tháng đó, Phụng không còn nghén, ăn uống ngon miệng hơn. Bác sĩ khuyên cô ăn thật nhiều mới đủ dinh dưỡng nuôi lớn 3 em bé.
Ở tam cá nguyệt thứ ba, thai nhi của Phụng phát triển không đồng đều. Bác sĩ chỉ định cô phải chuyển lên bệnh viện Từ Dũ, TPHCM để theo dõi. Tại đây, vợ chồng Phụng thuê nhà gần bệnh viện để thuận tiện khám thai.
Vì mang thai 3, bụng của cô rạn da, nứt toác gây đau rát. Việc ăn uống cũng gặp nhiều khó khăn, phải chia làm nhiều bữa. “Áp lực phải ăn uống thật nhiều để con tăng được cân nào hay cân đó, khiến tôi rất mệt mỏi.
Bác sĩ còn khuyên tôi uống sữa thay nước. Dù không thích uống sữa nhưng vì con, tôi cố gắng uống càng nhiều càng tốt”, Phụng chia sẻ.
Mẹ chồng chăm con dâu từng li từng tí
Ở tuần 32 của thai kỳ, bác sĩ chẩn đoán các em bé của Phụng ngừng phát triển, cần mổ gấp để đưa ra ngoài nuôi dưỡng.
Đưa Phụng vào thang máy xuống phòng mổ, chồng cô rơi nước mắt, ước được ở bên cạnh vợ. Vào phòng sinh, Phụng bị gây mê, không tận mắt thấy các con chào đời. Các bé sinh non nên được đưa vào lồng kính để các bác sĩ chăm sóc.
Đến lúc tỉnh lại, Phụng chỉ thấy mẹ ruột ở bên cạnh, còn chồng đi đón mẹ chồng. Khi cô đang nằm nghỉ, mẹ chồng đẩy mạnh cửa bước vào. Thấy con dâu, bà rưng rưng nước mắt, xót xa: “Trời ơi, con có sao không? Đau nhiều không con?”.
Được quan tâm, Phụng xúc động, ứa nước mắt. Mẹ chồng vội vàng đến gần, ôm cô vào lòng an ủi. Bà còn tự mình đeo vớ chân, bịt tai giữ ấm cho con dâu.
Mỗi ngày, người nhà chỉ được 1 lần vào thăm các bé trong 1 giờ đồng hồ. Vì vậy, Phụng nhường cho mẹ chồng và mẹ ruột vào xem mặt cháu trước.
Trước đó, bác sĩ có chụp ảnh các bé gửi cho Phụng xem. Phụng chia sẻ ảnh với mẹ chồng. Ngay lập tức, bà dành nửa ngày để gọi video khoe cháu với người thân.
Phụng kể: “Mẹ chồng thương yêu và chăm sóc tôi từng li từng tí. Bà chu đáo, tận tình đến mức không có chỗ cho mẹ tôi chen vào. Mẹ tôi vào viện chăm con gái mà chỉ việc nằm chơi, ăn cơm rồi ngủ.
Qua hôm sau, tôi nói mẹ về quê chăm sóc bà ngoại, mọi việc của tôi đã có mẹ chồng lo”.
Trước đó, Phụng dự định ở cữ nhà mẹ đẻ nhưng sự tận tâm của mẹ chồng khiến cô thay đổi kế hoạch. Xuất viện, mẹ chồng xin phép cha mẹ Phụng đón con dâu và cháu nội về nhà chăm.
Dù sinh 3 nhưng đêm nào, Phụng cũng được ngủ một giấc đến sáng. Đến tháng thứ 2, Phụng mới cùng chồng thức chăm con vào ban đêm.
Các bé được cha mẹ và bà nội chăm sóc chu đáo nên tăng cân ổn định. Mặc dù sinh non, nhưng cấu tạo và chức năng cơ thể của 3 bé phát triển bình thường.
Nhờ có người thân hỗ trợ, mẹ bỉm Hồng Phụng nhanh chóng lấy lại vóc dáng, tinh thần cũng như cảm thấy thoải mái hơn. Cô nhận xét hành trình làm mẹ của mình thật hạnh phúc và ý nghĩa.
Ảnh: Tâm sự mẹ bỉm sữa