Không phải vì tôi là dân tỉnh lẻ, đọc những dòng trải lòng của em mà tôi bức xúc, cái chính là trong cuộc sống em nên có một cái nhìn nhiều chiều trước khi đánh giá một cách tổng quát bất kỳ một vấn đề gì đó…
Chồng quê vẫn mua được nhà Phú Mỹ Hưng
Lấy chồng quê, tại sao không?
Bao nhiêu phần trăm dân số thủ đô là người Hà Nội gốc?
Thứ nhất, tôi hỏi em đã bao giờ thống kê ở cái Thủ đô này, bao nhiêu phần trăm dân số là Hà Nội gốc? Bao nhiêu người đã từng lam lũ, xuất thân từ tỉnh lẻ mà nay sống đàng hoàng, sống hãnh diện trước những người thành phố 5,6 đời chưa?
Đấy là tôi chưa nói, chắc gì em đã là dân Hà Nội gốc, bởi lẽ, người Hà Nội gốc ít khi khinh thường dân tỉnh lẻ chúng tôi như thế lắm? Tôi đã gặp và làm việc với nhiều người dân gốc Tràng An, họ nhẹ nhàng, lịch thiệp và rất đáng trân trọng chứ không tinh vi như em!
Tôi phải khẳng định ngay với em là, không dưới 70% dân số Hà Nội (chỉ tính Hà Nội khi chưa hợp nhất địa giới hành chính) là dân tứ xứ, từ các tỉnh khác về làm ăn sinh sống, lập nghiệp, họ có thể có 3 hoặc 4 đời sống tại Thủ đô nhưng gốc gác của họ không phải là ở đây đâu, em ạ!
Hầu hết các quan chức cấp cao, tầng lớp thượng, trung lưu, các doanh nhân thành đạt, trí thức có tên tuổi hiện đang sống ở Hà Nội đều là dân các tỉnh về đấy chứ, ngay kể cả học sinh giỏi cấp quốc tế, olympic… cũng là dân các tỉnh lẻ là chính, rất ít khi thấy vinh danh học sinh thủ đô, phải không em? Vậy thì, đóng góp cho Hà Nội này, đâu phải hoàn toàn là công sức của người dân bản địa, thôi thì cứ cho rằng có cả em và gia đình em ở đó đi nữa, phải không Linh?
Người thành phố hơn gì dân tỉnh lẻ?
Thứ hai, trở lại câu chuyện “Thà ế còn hơn lấy chồng quê của em”, tôi muốn nói ngay với em rằng, đàn ông quê chúng tôi cũng không thèm lấy một người vợ “Thành thị” như em. Cứ cho rằng em sinh ra và lớn lên ở thành phố, thậm chí em là dân Hà Nội gốc 5,7, chục đời đi nữa, thì cuộc sống từ bé đến lớn được trang bị tận răng, chưa bao giờ nếm mùi vất vả, lam lũ, cơ hàn, thì chắc chắn là em cũng khó mà cảm nhận, thậm chí không thể cảm nhận được vị ngọt ngào của những hạnh phúc đủ đầy mà mình hiện có đâu.
Tôi phải nói với em điều này bởi khi còn học trong giảng đường ĐH, một trong những trường có thể gọi là danh giá nhất Thủ đô, những sinh viên ngoại tỉnh như chúng tôi luôn bị bọn thành phố khinh ghét, cũng dễ hiểu thôi, ngày đó vào học buổi đầu tiên của môn tin học, chúng tôi vẫn không biết nút Enter của bàn phím ở chỗ nào, những bữa cơm đạm bạc 2.500 đồng/suất với toàn rau và cà trong căng tin ký túc xá của chúng tôi thì làm sao mà so bì được với bạn bè thành phố được cưỡi Dream II đi học được (ngày đó xe Dream II là cả một tài sản vô cùng lớn, có thể mua được cả vài ngôi nhà của bố mẹ tôi ở quê). Thế nhưng, kết quả học tập chúng tôi, những sinh viên tỉnh lẻ vẫn không hề thua kém, thậm chí điểm tốt nghiệp ra trường, chúng tôi còn cao hơn nhiều những bạn bè thành phố.
Ra trường, trong khi bọn tôi lay lắt bươn trải kiếm việc, thì họ đã được bố mẹ sắp xếp đâu vào đấy, đứa thi vào Bộ, đứa làm Giảng viên tại Trưởng, đứa trong Viện nọ, thằng làm Cục kia… Anh em ngoại tỉnh chúng tôi, cứ phải gọi là “lác cả mắt”, nhưng chúng tôi cùng nhau bấm bụng tự nói với nhau, sống lâu mới biết đêm dài, cứ thử xem hồi sau sẽ rõ?
Kỳ hội ngộ nhân 12 năm ra trường vừa rồi, chúng tôi quây quần họp lớp, chao ôi, những đứa bạn thành công nhất, có địa vị xã hội nhất, kiếm nhiều tiền nhất, xe nọ nhà kia lại đều là những sinh viên tỉnh lẻ cả, Khánh Linh ạ!
Còn về chuyện hôn nhân, 2 bạn gái nhà khá giả nhất, lấy chồng sớm nhất, lại toàn là chồng Thành phố hẳn hoi, lại là những người ly hôn đầu tiên và duy nhất của của cả lớp đến thời điểm này em ạ! Lý do ư, nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ trong đó có một lý do đó là các bạn đã từng quá sung sướng, được bố mẹ trang bị cho từ răng đến tóc, chưa biết khổ sở bao giờ, nên gặp phải bất kỳ một khó khăn nào, trở ngại nào trên đường đời đều không đủ bản lĩnh, đủ sự từng trải để vượt qua…
Phải trải qua khó khăn mới thấy hết ý nghĩa của sự hạnh phúc
Với những gì đã trải qua trong cuộc đời, tôi đúc kết lại rằng: “Cái người ta có thì mình chưa có, nhưng cái mình có thì người ta không thể có được…”, có nghĩa là vật chất, tiền bạc, địa vị ư, rồi thì mình cũng kiếm được, cũng có được thôi, nhưng cái sự tần tảo, khó khăn, lam lũ mà mình đã từng trải nghiệm của tuổi thơ, của cánh đồng làng thơm phức mùi lúa chín, của những buổi sáng đi học, chiều đi gánh rau về nuôi lợn, đi đánh giậm, tát mương để bắt con cá, con cua, tối đêm vẫn lọ mọ đi bắt cào cào để sớm hôm sau mẹ đi chợ bán kiếm tiền mua sách… thì dân thành phố các em làm sao mà có được, làm sao mà cảm nhận được điều đó…!
Tôi cũng thông cảm cho em thôi, cuộc sống đủ đầy, cứ thế trôi đi từ khi lọt lòng đến ngày hôm nay 32 tuổi, mọi điều cứ như lập trình sẵn, chưa từng va vấp, chưa từng một ngày phải lo toan, suy nghĩ đến cơm áo gạo tiền, chưa từng một lần nếm trải sự khó khăn, cơ hàn… Cũng giống như bọn trẻ con nhà tôi bây giờ và cả thế hệ chúng nó trên thành phố hiện nay, đòi gì cũng được đáp ứng, thích ăn gì có ngay… nên chúng nó sẽ không bao giờ biết cảm nhận được cái khổ mà như vậy thì có sướng đến mấy cũng không thể hiểu được hết sự sung sướng!
Trở lại quan điểm của em về có ế cũng không chịu lấy chồng quê, tôi đồng ý với em một điều rằng, vật chất thì quý rồi, tiền bạc thì đương nhiên là hạt nhân của sự hành phúc rồi, sẽ chẳng nói mạnh được điều gì nếu ví bạn không có tiền, két nhà bạn lúc nào cũng trống rỗng, thì lấy đâu ra mà có hạnh phúc. Nhưng em phải nhớ một điều rằng, sự sẻ chia, tâm đầu ý hợp, đồng thuận, đồng lòng, hiểu và tôn trọng lẫn nhau mới là những nguyên nhân cơ bản để duy trì hạnh phúc của một gia đình.
Vợ chồng tôi cùng quê, chúng tôi yêu nhau bằng một tình yêu đầu nồng cháy, kết thúc bằng một đám cưới trọn niềm vui sau 5 năm hai đứa ra trường. Chúng tôi đã có những tháng ngày vất vả, gian nan khôn lường khi con thơ, nhà thuê lúc nào cũng nơm nớp sợ tăng giá, mùa hè nóng hầm hập, mùa mưa thì bì bõm, be bờ không cho nước vào nhà, có những lúc trong nhà không có nổi 100 nghìn, có những hôm con ốm, đi vào viện rồi gọi nhiều cuộc trợ giúp mới đủ tiền thăm khám…
Nhưng, sông còn có những khúc rộng hẹp, nông sâu khác nhau, người cũng có lúc này lúc khác, có trải qua tất cả những lúc cơ hàn như vậy, thì đến bây giờ, nhà cao cửa rộng, ôtô đỗ cửa, vợ chồng tôi mới cảm nhận được hết những vị ngọt ngào của tận cùng sự hạnh phúc mà mình đang có, chính điều đó nhắc nhở chúng tôi càng phải trân trọng, càng phải nâng niu những giá trị đã đạt được, Khánh Linh ạ!
Thay lời kết!
Ở trường nơi vợ tôi là giảng viên, có một cô đồng nghiệp, cũng vừa bước sang tuổi 35, học xong Đại học, học Thạc sỹ rồi Tiến sỹ luôn, cũng chưa từng yêu ai như em, cuộc sống cứ thế trôi đi đến giờ địa vị có, tiền bạc có nhưng tối vẫn nằm không. Giờ thì cao không tới, những người có bằng cấp, địa vị thì họ lại không bao giờ muốn lấy vợ giỏi hơn mình lại nhiều tuổi như thế, những người ít tuổi, trình độ hữu hạn thì lại không thông. Cô ta tâm sự với vợ tôi như thế, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ cô ấy có ý khinh bỉ, coi thường hay đại loại là thành kiến với đàn ông tỉnh lẻ, với cô ta, cái duyên chưa đến mà thôi, chứ tuyệt nhiên không bao giờ có ý “Thà ế cũng không lấy chồng ngoại tỉnh” như em!
Với riêng em, tôi thiết nghĩ, có thể em chưa ế vì em có trình độ, có học thức, có địa vị lại dễ kiếm tiền, cũng có thể nay mai thôi, em sẽ tìm được một người chồng “đích thị là dân Thành phố” như trong tiềm thức của mình nhưng chắc chắn một điều rằng, em sẽ không bao giờ cảm nhận đầy đủ được giá trị của sự hạnh phúc mang lại hoặc giả khi em gặp bất kỳ một khó khăn gì trong cuộc sống sẽ rất khó để em vượt qua.
Còn trong trường hợp em ế thật, sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên cả với tôi. Bởi những người tỉnh lẻ như tôi, nếu có cơ hội quay lại lựa chọn thời tiền hôn nhân, cũng sẽ không bao giờ chấp nhận yêu một người “thành phố” có tiềm thức khinh thường dân ngoại tỉnh như mình cả…
Chúc em hạnh phúc!
Nguyễn Đức Minh