TAND TPHCM vừa ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với 254 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trung tâm Đăng kiểm tại TPHCM và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TPHCM, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 18/7-18/10, do thẩm phán Huỳnh Văn Trực làm chủ toạ.
Trả lời báo chí, ông Phạm Ngọc Duy (Chánh văn phòng TAND TPHCM) cho biết, đây là vụ án có số lượng người tham gia đặc biệt lớn, bao gồm: 254 bị cáo, hơn 200 luật sư và hơn 60 bị hại là cá nhân, tổ chức. Do đó, mọi công tác chuẩn bị đã được TAND TPHCM lên kế hoạch và phối hợp với các đơn vị liên quan, để đảm bảo phiên toà diễn ra xuyên suốt, an toàn trong thời gian dài diễn ra.
Về cách thức tổ chức, ông Duy cho biết, vụ án sẽ được xét xử trực tiếp tại trụ sở TAND TPHCM và kết hợp truyền dẫn hình ảnh, âm thanh tại điểm cầu trại giam T30 (huyện Củ Chi, TPHCM).
“Tòa đang phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM để triển khai việc truyền dẫn hình ảnh, âm thanh tới điểm cầu T30. Trụ sở TAND TPHCM sẽ bố trí phòng xử án xuyên suốt tại hai phòng xử lớn, để đảm bảo tất cả những người liên quan đến vụ án có vị trí ngồi theo dõi phiên tòa” - ông Duy cho hay.
Cũng theo ông Duy, do tính chất, đặc điểm của vụ án nên HĐXX sẽ tiến hành xét hỏi, thẩm tra đối với từng nhóm tội danh, nhóm hành vi. Do vậy, khi đến lịch thẩm tra, xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nào thì nhóm đó sẽ được trích xuất, dẫn giải đến toà để thẩm vấn trực tiếp. Các bị cáo thuộc nhóm còn lại sẽ theo dõi phiên xử qua đường truyền.
Điều này đảm bảo tất cả các bị cáo, luật sư và những người liên quan trong vụ án được theo dõi xuyên suốt diễn biến phiên toà. Tất cả các bị cáo (dù theo dõi ở điểm cầu T30) vẫn được tương tác và làm việc với HĐXX, quyền của các bị cáo sẽ được đảm bảo tối đa. Các bị cáo tại ngoại phải có mặt tòa trong thời gian xét xử.
Riêng đối với trường hợp của bị cáo Đỗ Trung Học (cựu Trưởng phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) - người duy nhất đang bị truy nã trong vụ án, hiện tòa đang thực hiện tống đạt và niêm yết theo quy định.