Điện Biên: Có kịch bản mẫu để chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan

Sáng 5/8, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh về công tác khắc phục thiệt hại thiên tai.

pho thu tuong.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thị sát tại vị trí sạt lở ở bản Mường Pồn 1

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực, chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ; xây dựng lại nhà, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống phù hợp với phong tục, tập quán của bà con; kiểm soát tốt phương tiện và người ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

dien bien.jpg
dien bien 2.jpg
Các lực lượng 4 tại chỗ tham gia công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ người dân làm nhà tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Các cơ quan chức năng tỉnh cần theo dõi diễn biến thời tiết, tăng cường công tác cảnh báo, dự báo; rà soát, chuẩn bị kịch bản, phương án đối phó với những sự cố thiên tai cực đoan; đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ; tăng cường công tác thông tin truyền thông đối với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và người dân.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 10 tỷ đồng để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân vùng thiên tai. Đối với nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai do tỉnh đề nghị, UBND tỉnh cần có văn bản cụ thể trình Chính phủ xem xét và giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, chiều 4/8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã thị sát tại vị trí sạt lở ở bản Mường Pồn 1 và khu vực bị lũ quét tại bản Lĩnh và bản Tin Tốc; thăm hỏi, động viên, tặng quà lực lượng "bốn tại chỗ" đang làm công tác khắc phục hậu quả mưa lũ; thăm hỏi, động viên, trao quà cho các gia đình có người thân bị chết, mất tích thuộc xã Mường Pồn, huyện Điện Biên.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của 26 đợt thiên tai, khiến 9 người chết; 4 người mất tích; 12 người bị thương. Mưa lũ làm 1.365 nhà bị hư hỏng; hơn 1.719ha đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; 351 con trâu, bò và 25,33ha thủy sản bị cuốn trôi. Bên cạnh đó, mưa lũ đã gây thiệt hại nhiều công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục. Ước tổng thiệt hại toàn tỉnh từ đầu năm đến ngày 2/8 khoảng 256,5 tỷ đồng (riêng đợt mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất từ ngày 23/7-2/8 gây thiệt hại khoảng 211,5 tỷ đồng).

Sơn La: Rà soát, kịp thời sơ tán các hộ dân ở những nơi không đảm bảo an toàn

Sáng 4/8, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đến thị sát, kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Sơn La và thăm hỏi, động viên người dân vùng bị ảnh hưởng nặng nề. Sau đó, Phó Thủ tướng và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh tại điểm trường bản Phiêng Nghè.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công cho biết, từ đêm 23/7, tỉnh hứng chịu đợt mưa lớn nhất trong vòng 30 năm qua.

Tính đến ngày 4/8, mưa lũ làm 11 người chết, mất tích; thiệt hại trên 2.672 nhà; lũ cuốn trôi 15 cầu treo; hư hỏng 82 công trình thủy lợi; 130 vị trí sạt lở gây ách tắc giao thông... Ước tổng thiệt hại trên 500 tỷ đồng.

Tỉnh đang tập trung khắc phục cơ sở hạ tầng, bảo đảm đời sống người dân. Trong đó, có 29 điểm trường cần sớm sửa chữa để đón học sinh vào năm học mới. Có 36 công trình nước sạch hư hỏng cần ưu tiên sửa chữa để cung cấp cho người dân.

pho thu tuong 2.jpg
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nghe Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh báo cáo tình hình khi đi thị sát vùng ngập lụt. Ảnh: VGP

Riêng xã Chiềng Đen, hiện còn khoảng 50 hộ tại một số bản vẫn đang bị ngập sâu trong nước. Xã Chiềng Đen đã huy động “4 tại chỗ” di chuyển tài sản giúp nhân dân; Ban CHQS và Công an TP Sơn La tăng cường lực lượng hỗ trợ các hộ dân tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ. Hiện nay, các hộ dân bị ngập úng, sạt lở đã được bố trí chỗ ở tạm tại nhà người thân và nhà văn hoá các bản lân cận.

Khó khăn nhất của tỉnh Sơn La là bố trí nguồn lực sắp xếp ổn định dân cư; đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai và tỉnh đang tiếp tục rà soát cụ thể thiệt hại để đề xuất phương án; trong đó có các nội dung tối ưu sẽ trình với Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét, cân đối nguồn lực đầu tư xây dựng hầm thoát nước đảm bảo tiêu thoát lũ và chống ngập úng trên địa bàn…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Sơn La 10 tỷ đồng để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, ngập lụt.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và tỉnh, TP Sơn La tiếp tục cảnh giác, không lơ là chủ quan, chỉ đạo ứng phó khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. 

son la.jpg
Bản Phiêng Nghè, xã Chiềng Đen (TP Sơn La) - khu vực đã bị ngập nhiều ngày nay, có nơi ngập đến 11m. Ảnh: VGP

Trong đó, tỉnh cần quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là với các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, hộ khó khăn bị mất người thân, nhà cửa do thiên tai.

Đặc biệt lưu ý rà soát, kịp thời sơ tán các hộ dân ở những nơi không đảm bảo an toàn; nhất là những hộ trong vùng ngập úng, nguy cơ sạt lở, hạn chế tối đa thiệt hại và có phương án ứng phó với các tình huống bất ngờ. Huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích hỗ trợ nhân dân xử lý vệ sinh môi trường sau lũ không để bùng phát dịch bệnh.

Tỉnh Sơn La sớm hoàn thiện báo cáo gửi Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành của Trung ương có liên quan để nghiên cứu giải pháp lâu dài phòng, chống ngập úng cho tỉnh.