Chăm lo xây dựng gia đình văn hóa

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo xây dựng gia đình văn hóa. Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Một trong các mục đích nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, góp phần quan trọng tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Với tinh thần đó, xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành một trong 7 phong trào cụ thể của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân và các gia đình tham gia. 

minhhoa.png

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng gia đình, làng, khu phố và cụm dân cư văn hóa, chủ động thông tin, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật về gia đình và công tác gia đình.

Các phong trào, mô hình và câu lạc bộ xây dựng gia đình đã được triển khai, phát triển sâu rộng ở nhiều địa phương đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho gia đình. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao đã góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thực hiện bình đẳng giới và các quyền cơ bản của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các thành viên trong gia đình.

Nhiều địa phương đã tổ chức quán triệt việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; phân công và chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện. Các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đã được thực hiện tốt.

Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm, từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình tại 4 cấp. Tỷ lệ nhân lực được đào tạo đúng chuyên môn về công tác gia đình ngày càng tăng. Tuy nhiên, đa số cán bộ thực hiện công tác gia đình ở các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đều là kiêm nhiệm và luôn có sự biến động, thay đổi. Đến nay, đã có 53/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Tại nhiều tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo công tác gia đình đã triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác gia đình theo hướng từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể. Kịp thời tham mưu cho các cấp ủy và ủy ban nhân dân về công tác gia đình. Các thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình đã tích cực triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Xây dựng gia đình hạnh phúc là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc

Nhiều năm qua, 100% bộ, ngành, địa phương đã triển khai, phối hợp thực hiện các đề án, chương trình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình. Nhiều hoạt động giáo dục đời sống gia đình đã được tổ chức và được lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của gia đình.

Chương trình giáo dục đời sống gia đình được triển khai tới các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố. Công tác tuyên truyền giáo dục đời sống gia đình được lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo, các chuyên đề sinh hoạt câu lạc bộ và sinh hoạt ở cộng đồng.

Công tác giáo dục đời sống gia đình được chú trọng triển khai thực hiện thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện các đề án, chương trình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với mục tiêu chung là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thiết thực, phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng địa phương.

Bởi, xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.

Việt Hùng và nhóm PV, BTV