Hội nghị nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về con người ở địa phương, góp phần quan trọng cho đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẳng định, việc bảo đảm và phát huy quyền con người ở Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực thông qua việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Nhờ đó, trong các năm qua, Việt Nam đã từng bước xác lập vị thế trên trường quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào việc bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền ở bình diện toàn cầu.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại về quyền con người ở Việt Nam từ chỗ đặt nặng yếu tố đấu tranh và “chống” thì nay nhận thức về công tác này hiện đã cân bằng hơn, có sự điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp hơn với bối cảnh hội nhập sâu rộng, toàn diện của đất nước. Từ năm 2018, tại Đề án nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người ban hành theo Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 02/3/2018, Chính phủ đã xác định quan điểm “lấy xây để chống, trong đó xây là chính”.
Trong những năm qua, công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền về quyền con người đã được triển khai với các hình thức, nội dung phong phú, thông tin đến nhiều đối tượng và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu trong tình hình mới, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người càng cần phải được tăng cường hơn nữa và không ngừng đổi mới về nội dung lẫn hình thức, khách quan, chính xác, kịp thời và hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, thời gian qua UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác thông tin đối ngoại nói chung và công tác thông tin đối ngoại về quyền con người.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh triển khai các văn bản của Chính phủ, Bộ TT&TT, đồng thời ban hành nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại ở địa phương. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ TT&TT tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, công tác thông tin đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; tập huấn cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, công tác phát ngôn, phóng viên báo chí ở địa phương thực hiện thường xuyên hàng năm; định hướng thông tin cho báo chí, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, mới nảy sinh, được dư luận quan tâm.
Chỉ đạo các ngành phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương, các kênh truyền hình sản xuất nhiều chương trình tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phát sóng trong nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần mở rộng phạm vi quảng bá hình ảnh Trà Vinh, tăng cường cơ hội hợp tác quốc tế, giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế theo định hướng phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh nhà.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cho biết công tác quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại của tỉnh còn hạn chế, khó khăn. Trong đó, việc tiếp cận các nguồn thông tin phục vụ công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại còn chậm, nội dung chưa phong phú. Các bài viết, hình ảnh của các cơ quan báo chí về công tác đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội thù địch tuy có nhưng còn ít.
Công tác phối hợp của các đơn vị trong công tác thông tin đối ngoại tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp và nhịp nhàng; công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí dần được đổi mới, chú trọng nhưng vẫn còn một số đơn vị, địa phương còn ngại va chạm, hạn chế cung cấp các thông tin mang tính chất nhạy cảm. Việc thực hiện báo cáo theo định kỳ về công tác thông tin đối ngoại chưa thường xuyên, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Nhân sự phụ trách công tác thông tin đối ngoại đều là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản về thông tin đối ngoại, thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại.
Tài liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại, về tuyên truyền thông tin đối ngoại từ Trung ương đến địa phương chưa nhiều, nhất là các tài liệu về thông tin đối ngoại về quyền con người, công tác hướng dẫn xây dựng kế hoạch hàng năm chưa phù hợp với từng địa phương, đơn vị, làm cho công tác triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại ở cơ sở chưa đạt được hiệu quả cao như mong muốn.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo tình hình thế giới và khu vực tác động đến công tác thông tin đối ngoại; một số nội dung cơ bản và điểm mới trong dự thảo Chiến lược thông tin đối ngoại của Bộ Chính trị.
Cũng tại hội nghị, các báo cáo viên cung cấp thông tin về các chỉ đạo, định hướng mới về công tác thông tin đối ngoại và công tác nhân quyền.
Các đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm và những cách làm hay, sáng tạo trong công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người của địa phương mình, nhất là xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, giữa các cơ quan chuyên trách với báo chí, truyền thông; công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai công tác thông tin đối ngoại về quyền con người. Đặc biệt là các kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với các địa phương khác trong Vùng và trên cả nước; kiến nghị, đề xuất về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác nhân quyền, công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại về vấn đề quyền con người...