Trong hội thảo “Kiến tạo giá trị từ Chiến lược dữ liệu trong bối cảnh AI” tổ chức ngày 5/7 tại Hà Nội, ông Trần Tịnh Minh Triết – Giám đốc giải pháp của SAP Việt Nam – đã có những chia sẻ dựa trên kinh nghiệm làm việc với nhiều đối tác toàn cầu của mình.
Ông Triết cho rằng trước khi đi đến quyết định tiếp cận dữ liệu và ra chiến lược, cần phải biết mục đích kinh doanh, KPI, ưu tiên cần giải quyết và có những vấn đề gì chưa giải được. Dựa trên đáp án, sẽ tìm công cụ để giải quyết: con người, máy móc hay dữ liệu.
Ông Trần Tịnh Minh Triết nhận xét mọi doanh nghiệp hiện nay nếu muốn cạnh tranh đều phải dựa trên dữ liệu và mọi công ty đều sẽ trở thành một công ty dữ liệu. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu McKinsey, thị trường dữ liệu do xe hơi thu thập sẽ trị giá 750 tỷ USD vào năm 2030. Đó là một phần lý do khiến Tesla là hãng xe lớn nhất thế giới xét theo vốn hóa, dù sản lượng xe chỉ bằng số lẻ của General Motors.
Để xác định được cần đến dữ liệu gì trong hàng tỷ dữ liệu trên thế giới, doanh nghiệp phải tiếp cận từ mục đích kinh doanh. Họ phải có tư duy chiến lược kinh doanh mới có tư duy chiến lược dữ liệu. Sau khi có toàn bộ dữ liệu, cần phải quản trị dữ liệu, bao gồm đánh giá chất lượng có đúng yêu cầu không, dữ liệu lấy từ đâu, ai là người chịu trách nhiệm.
Cuối cùng, để biết được bản chất của dữ liệu, cần phải phân tích để nắm được vấn đề nằm ở đâu, cần nguồn lực nào để xử lý gì, dựa vào đó để tối ưu hóa quy trình kinh doanh.
Ông Thái Trí Hùng, Giám đốc công nghệ Ví Momo, cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng ngay từ đầu phải xác định được đúng mục tiêu, dữ liệu phải giúp doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu một cách chính xác. Điều này không bao giờ được quên, đặc biệt đối với nhóm công nghệ. Dù áp dụng công nghệ nào, nếu không phục vụ người dùng, làm cho họ hạnh phúc hơn, đi ngược lại với mục tiêu, công nghệ ấy sẽ không còn tốt nữa.
Ông Hùng chia sẻ, để không quên đi sứ mệnh ban đầu, Momo có khung giá trị cốt lõi, lấy người dùng làm trọng tâm, dùng để hỗ trợ cho các quyết định. Ngoài ra, phải luôn giám sát mức độ hài lòng của khách hàng vì nó quan trọng hơn tăng doanh số trong một chu kỳ ngắn. Đây chính là lúc cần tăng cường truyền thông nội bộ để duy trì các nguyên tắc.
Truyền thông nội bộ là một yếu tố quan trọng dẫn dắt thành công của hành trình chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Khánh Hưng, CEO Vietnam Network, truyền thông nội bộ sẽ giúp mọi người trong doanh nghiệp hiểu rõ những gì đang diễn ra, vì sao chuyển đổi số là cần thiết; hiểu và ủng hộ thay đổi, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi.
Trong khi đó, ông Huỳnh Long Thủy – Tổng Giám đốc VieON – chia sẻ kinh nghiệm về quy trình xây dựng báo cáo và kể chuyện thông qua dữ liệu (data storytelling). Ở vai trò điều hành, kinh doanh, tiếp thị… đều cần phải biết tham số nào quan trọng.
Với trường hợp của VieON, các chương trình đều được đưa lên mạng và thu thập thông số liên quan đến khán giả như độ tuổi, khu vực sinh sống, bình luận, thị hiếu… Gần như việc sản xuất nội dung được xây dựng thành một công thức “viral”, hoạch định rõ các tiêu chí để đối chiếu khi mua hay sản xuất một chương trình, nếu thỏa mãn mới tiếp tục.