Sau khi vượt qua quãng đường 385.000km từ Mặt trăng về Trái đất, tàu Orion đã hoàn thành bước cuối cùng trong sứ mệnh lịch sử kéo dài 25,5 ngày là đáp xuống Thái Bình Dương, ở ngoài khơi vùng Baja California của Mexico lúc 12h40 giờ miền đông nước Mỹ ngày 11/12 (0h40 giờ Việt Nam ngày 12/12).
Theo CNN, bước cuối cùng này là một trong những phần quan trọng và nguy hiểm nhất của sứ mệnh, khi tàu phải chống chịu mức nhiệt độ lên tới 2.760 độ C trong lúc di chuyển với vận tốc gấp khoảng 32 lần vận tốc âm thanh (gần 40.000 km/h) xuyên thủng bầu khí quyển Trái đất. Vì vậy, việc tàu Orion hạ cánh an toàn ngoài biển khiến các chuyên gia NASA reo hò phấn khích.
“Tôi cảm thấy choáng ngợp. Đây là một ngày thật phi thường”, Bill Nelson, một quan chức NASA bày tỏ.
Tàu Orion sau đó trải qua 6 giờ ở Thái Bình Dương để NASA thu thập thêm dữ liệu và thực hiện một số thử nghiệm trước khi đội cứu hộ di dời nó. Quá trình nhằm đảm bảo tàu sẵn sàng chuyên chở các phi hành gia vào không gian trong tương lai.
Các chuyên gia cho biết, Orion đã di chuyển khoảng 2 triệu km trong sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng Artemis I, xa hơn quãng đường đi của bất kỳ tàu vũ trụ nào từng được thiết kế để chuyên chở con người.
Mục tiêu phụ của sứ mệnh này là để mô-đun dịch vụ của Orion, bộ phận đính kèm hình trụ ở dưới cùng tàu vũ trụ, phóng 10 vệ tinh nhỏ. Song, ít nhất 4 vệ tinh trong số đó đã bị hỏng sau khi được đưa vào quỹ đạo, bao gồm cả một mẫu tàu đổ bộ Mặt trăng thu nhỏ được phát triển ở Nhật và một trong các vệ tinh do chính NASA thiết kế để khám phá không gian liên hành tinh.
Trong chuyến du hành, Orion cũng chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp về Trái đất và bề mặt Mặt trăng.
Artemis I là nhiệm vụ mở đầu cho chương trình Artemis của NASA nhằm đưa con người lên Mặt Trăng sinh sống và làm việc lâu dài, sau gần 50 năm chấm dứt chương trình Apollo.
Theo lộ trình, Artemis được chia làm 3 giai đoạn. Nếu mọi việc thuận lợi, sau sứ mệnh không người lái Artemis I sẽ là sứ mệnh Artemis II đưa các phi hành gia bay quanh Mặt trăng vào khoảng năm 2024 và sứ mệnh Artemis III cho phép các nhà du hành vũ trụ hạ cánh xuống bề mặt thiên thể này năm 2025.
>> Xem thêm tin thế giới mới nhất trên báo VietNamNet
NASA mất liên lạc với tàu thăm dò Mặt trăng
"Chúng ta chọn tới Mặt trăng", bài phát biểu thúc đẩy Mỹ khám phá không gian
Ngày 12/9/1962, tại sân vận động Đại học Rice ở Houston, Texas, Tổng thống Mỹ John F.Kennedy có bài phát biểu nổi tiếng, thường được biết đến với tên gọi đơn giản "Chúng ta lựa chọn tới Mặt trăng".