Sự kiện do Hội đồng lý luận Trung ương, Tỉnh ủy Tây Ninh phối hợp tổ chức.
Một trong những Khu kinh tế trọng điểm của cả nước
Tây Ninh nằm phía tây bắc của khu vực Đông Nam bộ, có đường biên giới trên bộ dài thứ hai với nước bạn Campuchia, là hướng kết nối quan trọng của khu vực phía nam với Campuchia, tiểu vùng sông Mekong mở rộng và các nước ASEAN, đặc biệt là hướng kết nối thuận tiện nhất giữa Thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh thông qua trục đường Xuyên Á và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Với vị trí chiến lược như vậy, Mộc Bài từ lâu đã trở thành cửa ngõ, cầu nối trên bộ quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia và được xác định là một trong những Khu kinh tế trọng điểm của cả nước.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có tổng diện tích tự nhiên 21.284 ha bao gồm các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và các xã Phước Lưu, Phước Bình thuộc thị xã Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Phía Bắc giáp các xã Long Khánh, Long Giang, Long Chữ thuộc huyện Bến Cầu và một phần sông Vàm Cỏ Đông. Phía Nam giáp tỉnh Long An. Phía Đông giáp sông Vàm Cỏ Đông. Phía Tây giáp biên giới Campuchia.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có 03 cửa khẩu: cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận, phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN. Khu kinh tế Mộc Bài nằm trên đường Xuyên Á (bắt đầu từ Myanma, qua Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và kết thúc ở Quảng Tây, Trung Quốc). Hiện nay đường Xuyên Á đang được xây dựng, sửa chữa cầu đường, mở rộng nền, nâng cấp mặt đường theo tiêu chuẩn quốc tế. Với con đường này, Mộc Bài chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam có 70 km và Thủ đô Phnom Penh của Campuchia là 170 km. Khi đường Xuyên Á hoàn thành, cửa khẩu Mộc Bài và tỉnh Tây Ninh sẽ trở thành giao điểm quan trọng giữa hệ thống đường quốc tế và đường quốc gia ở miền Nam nước ta.
Theo quy hoạch, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài dự kiến có quy mô dân số đô thị khoảng 100.000 người vào năm 2020, với diện tích đô thị khoảng 7.400 ha. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, với chiều dài toàn tuyến đường khoảng 53,5 km, có điểm đầu giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22, khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh); dự kiến dự án hoàn thành trước năm 2025.
Là hình ảnh đối ngoại của quốc gia ở biên giới phía Tây Nam
Theo chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm, có giai đoạn Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thực sự là một điểm nhấn nổi bật, thu hút đầu tư, có nhiều các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra sôi động; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thay đổi bộ mặt, đời sống của vùng biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra; trong đó, sự thay đổi về cơ chế, chính sách về đầu tư, thương mại khiến cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã dần mất đi động lực phát triển.
Làm sao để Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển đúng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế, xứng đáng là cửa ngõ, là hình ảnh đối ngoại của quốc gia ở biên giới phía Tây Nam là sự trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh bày tỏ hy vọng rằng hội thảo lần này sẽ có nhiều ý kiến đóng góp trí tuệ, sâu sắc, những kinh nghiệm quý báu từ các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương về những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài để Tây Ninh báo cáo Trung ương cho chủ trương, chỉ đạo làm cơ sở xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Đây còn là một cơ hội để tiếp cận các quan điểm, tư duy mới về định hướng chiến lược phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ cửa khẩu trong giai đoạn mới; làm cơ sở để địa phương tiếp thu, hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tổ chức lập; đồng thời, đề xuất, bổ sung các quan điểm mới trong quá trình Trung ương đang tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW, ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW, ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị và xây dựng Nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.
Qua đó, đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng giải pháp và kiến nghị phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị-công nghiệp-dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích đánh giá vị trí địa kinh tế, địa chính trị trong lợi thế so sánh, thực trạng phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm trong nước phát triển các khu kinh tế và đề ra định hướng, mô hình phát triển cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đa chức năng: Công nghiệp-đô thị-thương mại-dịch vụ, có khả năng cạnh tranh ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, lấy công nghiệp hiện đại, đô thị sinh thái làm động lực chính.
Mô hình được đề xuất cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong thời gian tới cũng phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm được nêu trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó xác định “Phát triển chuỗi công nghiệp-đô thị Mộc Bài-TP Hồ Chí Minh-Cảng Cái Mép-Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á”. ..
“Hạ tầng đến đâu, giàu đến đấy”
Phát biểu tại hội thảo, Nguyễn Xuân Thắng Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Khu kinh tế Mộc Bài với tính chất là khu kinh tế trọng điểm, là một cực tăng trưởng kinh tế và vùng động lực phát triển mới ở phía nam của đất nước.
“Chúng ta hướng tới phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là hình thành một Trung tâm công nghiệp - đô thị - thương mại dịch vụ và logistic. Theo đó, phát triển khu kinh tế theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp kết nối và đổi mới sáng tạo. Xây dựng khu đô thị sinh thái, đáng sống, thông minh, vừa có đẳng cấp quốc tế, hội nhập, vừa mang bản sắc Việt Nam. Hình thành trung tâm dịch vụ cửa khẩu thông minh, hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ và logistic, nơi trung chuyển giao thương quốc tế của Tiểu vùng Mekong, kết hợp với phát triển các lĩnh vực tài chính, du lịch, nông-lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác”, ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Đồng thời Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng nhấn mạnh việc cần bổ sung, hoàn thiện quy hoạch Khu kinh tế Mộc Bài mang tầm nhìn dài hạn, ổn định làm căn cứ cho việc quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực trong khu kinh tế cũng như kết nối giữa khu kinh tế với bên ngoài trên cơ sở rà soát quá trình triển khai Quy hoạch chung của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009.
Bên cạnh đó cần tăng cường đầu tư phát triển, xây dựng hạ tầng hiện đại theo phương châm “hạ tầng đến đâu, giàu đến đấy” trong việc lựa chọn và xác định các phân khu chức năng trong cấu trúc quy hoạch phát triển.
Lương Bằng, Anh Dũng, Ngọc Trang